Thứ ba, 25/7/2017, 21h25

Phản biện và hệ lụy ở nhà giáo

Thời gian qua có những câu chuyện đau lòng xảy ra đối với giáo viên, như giáo viên uống thuốc độc trước phòng hiệu trưởng, giáo viên tạt axít lãnh đạo phòng giáo dục… Tất cả, suy cho cùng cũng liên quan đến vấn đề phản biện trong nhà trường. Đó là nhà trường không có sự phản biện hoặc không tạo điều kiện cho giáo viên phản biện, hoặc giáo viên phản biện đúng nhưng không được đồng tình của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo ngành mà ngược lại tìm cách hãm hại giáo viên.

Nếu như nhà trường thực hiện sự phản biện tốt nghĩa là nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên mạnh dạn nói lên chính kiến, đề bạt nguyện vọng chính đáng của mình trước tập thể hoặc trước ban giám hiệu (BGH); và tập thể cũng như BGH khách quan, vô tư, minh bạch, công tâm trong việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề của mỗi thành viên trong Hội đồng giáo dục thì sẽ không đến nỗi xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trên.

Sự phản biện ở đây trước hết là phải tạo ra được sự dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch ở ngay trong phân công chuyên môn cho mỗi giáo viên. Thứ hai là giáo viên có quyền ý kiến về sự phân công ấy, thứ ba là tập thể ý kiến về sự phân công ấy, thứ tư là giải quyết công khai sự phân công ấy hợp tình hợp lý của BGH.

Điều cần thấy là ở không ít trường học hiện nay, BGH điều hành công việc một cách thiếu dân chủ, áp chế giáo viên, mang tư tưởng chủ nghĩa cá nhân. Nghĩa là thích, thương giáo viên nào thì ưu ái cho người đó. Mỗi khi có họp hành thì dành hết thời gian để triển khai công việc, rồi nhận xét, phê bình giáo viên, trong khi đó thời gian dành cho giáo viên ý kiến quá ít. Công đoàn không làm trung gian giải quyết vụ việc xảy ra giữa giáo viên với BGH, mà thường đứng về phía BGH, còn giáo viên thì sợ BGH trù dập, không dám bảo vệ đồng nghiệp, dẫu biết đồng nghiệp mình đúng, nên giáo viên bị oan không có lối thoát, uất ức, tìm đến cách xử lý để lại hậu quả xấu cho mình và cho cả người thân, ảnh hưởng đến ngành, xã hội. Cho nên vấn đề phản biện trong nhà trường cần phải được ngành giáo dục quan tâm. Có thế giáo viên mới dám nói tiếng nói thực của mình, mới bảo vệ cái đúng, lẽ phải, mới đòi hỏi được quyền lợi chính đáng của mình… Nếu như có sự phản biện tốt thì không thể có tình trạng lạm thu, rồi dạy thêm tiêu cực, những vấn đề khuất tất, mất đoàn kết, lợi ích nhóm… trong các trường học hiện nay, đặc biệt mới tránh được những hậu quả đáng tiếc cho những người thầy bị oan.

Nguyn Văn Tú