Thứ năm, 30/3/2017, 22h21

Phận già mưu sinh trên phố

Ở tuổi đáng ra đang vui vầy với con cháu thì các cụ già vẫn đang liêu xiêu kiếm ăn qua ngày. Những cụ già neo đơn đi bán vé số, bán chè, bánh chiên, lượm ve chai… không còn xa lạ trên đường phố.

Tuổi già, cụ ông này vẫn phải đi bán kem mưu sinh

Lang thang mưu sinh phố đêm

Lúc mà các quán nhậu đã sáng đèn, khách nhậu đã đông ta dễ dàng nhìn thấy rất nhiều cụ già đến chào mời vé số hoặc bán một vài thứ gì đó đặc sản quê mình. Có người thì ốm nhom, gầy còm, người lại ngồi xe lăn đến từng bàn “chú giúp giùm già tờ vé số!”.

20 giờ tại quán ăn trên đường Đề Thám, cụ già Hồ Văn Lành (73 tuổi quê Quảng Nam) hát một câu vọng cổ ngọt lịm, vừa hát vừa đưa xấp vé số ra mời chào, gật đầu. Có người bảo: “Tôi sẽ mua hết xấp vé này (10 tờ) với điều kiện ông hát thêm một bài nữa tặng bàn này”. Cụ già dừng hát, chỉ khẽ gật đầu nói “Già hát chỉ để cho thỏa lòng già, chỉ cần cậu biết nghe là được, không cần phải mua vé số cho già, già không đổi tiếng hát mua vui đâu”. Rồi cụ già lại đổ tiếp một câu nữa, tiếng ca của cụ vẫn ngân dài mượt mà, ấm áp.

Dẫu nghèo nhưng ở đâu đó các cụ vẫn giữ cho mình được thanh sạch, như cụ Hồ Văn Lành chia sẻ: “73 tuổi nhưng tôi còn đi, còn ca được, còn đi bán được thì sao lại đi xin. Khi nào hết sức thì hay, bán này còn khỏe hơn ở ngoài quê đi mần ruộng, tuổi này đâu lội ruộng, lội bùn mùa lạnh được, nhức khớp. Hết mùa không đủ tiền mua thuốc, bán này còn nuôi được thân không phiền con cháu, tụi nó nghèo quá”.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Hoa đều đẩy xe chè đi bán rong lê la khắp các con đường. Ngày mát bán hết thì còn chút lời nhưng cũng không đủ bù cho những ngày mưa, ngày nắng bán ế. Bà Hoa cười nói “Ế thì mang về bán cho bà con trong xóm, người ít người ta ủng hộ lấy huề vốn là mừng rồi…”.

Còn nhiều nữa những cụ già neo đơn ở góc ngã tư bán bánh su, đậu phộng… làm bằng chính sức lao động chân chính của mình. Ở những tuổi “xưa nay hiếm” đáng ra những cụ ông cụ bà đã được vui vầy bên con cái đuề huề nhưng vẫn phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Đôi mắt khô cạn, mái tóc bạc phơ xơ xác, làn da đen sạm dãi dầu nắng mưa oằn gánh nặng cuộc đời.

Mỗi người một cảnh

Cùng nghèo, cùng mang trong người nỗi u uất… phải chăng những người giống nhau thường hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn. Sau mỗi ngày lao động trở về các cụ lại ngồi xoa bóp chân cho nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện đã trải qua, thương cho phận mình gian nan. Mỗi cụ là một câu chuyện dài lê thê về cuộc đời, có người từng đứng trên đỉnh của thời “hoàng kim” có người cơm bưng nước rót, không phải lo đến chuyện tiền bạc và có lẽ không bao giờ nghĩ đến khi đời xế bóng phải sống cảnh đầu đường, góc chợ kiếm từng đồng để sống.

Cuộc đời của bà Hai (75 tuổi quê Bình Thuận) nhiều trăn trở, cũng đong đầy nước mắt: “Tôi lớn lên có chút nhan sắc, được gả cho một gia đình giàu có. Tôi lần lượt sinh hai đứa con trai và một gái. Rồi đùng cái chồng làm ăn thất bại, rồi chồng có bồ chẳng bao lâu chồng phá sản nợ ngập đầu. Chồng vào tù, đứa con gái chưa tròn tuổi qua đời sau một cơn sốt, không có tiền thuê xe đi bộ tới trạm xá thì con tôi đã lịm từ lúc nào. Tôi gửi hai con trai về ngoại vào Sài Gòn kiếm sống. Làm đủ thứ nghề gửi tiền về nuôi hai đứa con thơ. Lay lắt cũng 40 năm vậy mà cũng sống được tới giờ. Hai đứa con tôi ở quê cũng nghèo xác xơ. Ngày đó mình bỏ đi không nuôi dạy được, tụi nó không được học nên giờ làm ruộng. Mùa nắng bán được cũng gửi cho tụi nó chút đỉnh mua sách cho mấy đứa cháu đi học. Chắc chỉ khi chết mới trở về quê chứ giờ về chỉ thêm gánh nặng cho con cháu. Câu chuyện của tôi bây giờ cũng đã là quá khứ, nhưng tôi muốn sống như bây giờ hơn”.

Tưởng như thế đã là yên với bà Hai, nào ngờ khi mới mấy ngày trước bà bị mấy tên “ma cô” lừa lấy của bà 100 tờ vé số. Nghĩ tụi nó như con như cháu mình nên bà chỉ biết im lặng, về mượn nợ trả. Việc bị lừa lọc, ăn giật dường như không còn xa lạ với bà Hai nhưng chưa một lần bà than thân trách phận. Cũng có cụ chỉ nằm nghỉ lưng một chút khi tỉnh dậy bao ve chai lượm từ sáng tới trưa không còn nữa, chẳng biết kêu ai chỉ biết trách mình.

Bên cạnh đó, có những người đang lợi dụng hoàn cảnh như thế này để kiếm tiền phi pháp khiến cho những cụ già chân chính bị hàm oan. Đằng sau mỗi phận đời neo đơn luôn có một câu chuyện được giấu kín. May mắn biết bao khi các cụ già neo đơn này còn có một mái nhà dù chật hẹp nhưng đủ tránh mưa tránh gió hay lúc ốm đau có chỗ để nằm. Vẫn có rất nhiều những trường hợp các cụ già không có nơi nương tựa, phải ngủ lề đường, trên xe xích lô, trong mái hiên nhà người khác giấc ngủ phập phồng, không tròn giấc.

Bài, ảnh: Quyên Quyên