Thứ bảy, 24/6/2017, 20h56

Phản hồi bài: Góp ý cho giáo viên: nên không? (ngày 15-6): Điều cần thiết phải làm

Vì chúng ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” lâu đời nên khi nói đến chuyện góp ý cho giáo viên (GV) thì nhiều người còn tỏ ra e ngại, né tránh vì sợ làm mất đi hình ảnh người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh (HS) và xã hội. Nhưng theo tôi, có góp ý cho GV thì hình ảnh đó lại càng đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là hình thức góp ý hoặc lấy ý kiến như thế nào để người góp ý mạnh dạn, nói thẳng nói thật và người nghe cũng vui vẻ, thấy được những khiếm khuyết của mình để sửa chữa. Có nhiều cách làm, tùy theo sự vận dụng của từng trường cụ thể. Thông thường, vào cuối năm học, nhằm nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của HS về thầy cô trong năm học, hiệu trưởng nhà trường đã lập phiếu thăm dò phát cho HS thông qua GV chủ nhiệm. Có thể đó là phiếu trắc nghiệm, HS chỉ cần đánh dấu vào ô mình chọn. Có thể đó là phiếu góp ý bằng lời nhận xét của HS đối với mỗi GV bộ môn.

Trước khi thực hiện, nhà trường thông báo cho HS biết và nhắc nhở góp ý trên tinh thần khách quan, xây dựng. Có người e ngại cho rằng HS đang tuổi mới lớn, nhận xét còn theo cảm tính nên khó khách quan trong nhận xét, góp ý GV. Nhưng chúng ta nên tin vào các em vì những lời nhận xét, góp ý này rất bổ ích; để cho mỗi GV có dịp soi rọi lại bản thân mình. Có thể là góp ý về sự đối xử chưa công bằng giữa HS trong cùng một lớp hoặc có sự ưu ái riêng cho bạn nào… Tất cả HS đều biết và có dịp sẽ góp ý với thầy cô.

Có ý kiến băn khoăn: “Liệu làm như thế, các em có xem thường GV không?”. Ở đây, HS không hề có ý coi thường mà luôn thương thầy cô, tôn trọng thầy cô vì có như vậy các em mới góp ý chân thành để thầy cô mình tự hoàn thiện hơn! Bên cạnh những GV nhiệt tình, yêu nghề, dạy học bằng cả yêu thương nhưng cũng còn có một số GV chưa thực sự có được những phẩm chất đó. Biểu hiện trong việc trù úm HS không đi học thêm môn của mình hoặc thành kiến với HS này hay HS khác. Thậm chí có GV còn đối xử không công bằng giữa một HS gia đình khá giả và một HS con nhà nghèo. Hoặc có GV dạy nói quá nhỏ, quá nhanh làm cho các em nghe không rõ, không kịp nên ảnh hưởng phần nào trong việc tạo cảm hứng trong học tập và tiếp nhận kiến thức.

Vì vậy, việc góp ý cho GV là điều cần thiết phải làm để nhà trường nhận được những phản hồi từ phía phụ huynh, HS. Có thông tin nhiều chiều như vậy mới có sự nhận xét, đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực của người thầy.

Lê Đức Đồng