Thứ bảy, 24/3/2018, 22h42

Phản hồi bài Lương thấp, khó “cải cách giáo dục” (ngày 19-3)

Thầy Nguyễn Minh Hiền (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, TP.HCM): Tăng “chút xíu” sẽ tạo động lực cho giáo viên

Lương giáo viên khởi điểm mới ra trường chỉ dừng ở mức hơn 2 triệu đồng/tháng, bao gồm cả trợ cấp đứng lớp là 35%. Bên cạnh đó, địa phương cũng có những chính sách hỗ trợ để lương giáo viên thấp nhất là 3 triệu đồng/tháng. Dù đã được hỗ trợ nhưng với mức lương này rõ ràng người giáo viên có lẽ sẽ phải cố gắng lắm, tằn tiện lắm mới có thể trang trải được cuộc sống của bản thân sau khi trừ đi những chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện nước… Hiểu được những khó khăn của người giáo viên với đồng lương eo hẹp, nhà trường cũng luôn tạo điều kiện hỗ trợ thầy cô bằng cách xã hội hóa như tăng giờ đứng lớp, hay hoạt động bán trú… Tuy nhiên mức hỗ trợ này cũng chỉ tạo thêm “một khoản nhỏ” vào thu nhập của giáo viên. Dù tăng hay không tăng lương thì bản thân người giáo viên cũng đã luôn phải cố gắng để “khéo co thì ấm”, nhưng nếu tăng lương dù chỉ một chút cũng sẽ là động lực lớn để cho người giáo viên thêm phấn đấu với nghề.

Ông Dương Hoàng Tuấn (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức, TP.HCM): Chuyên viên phòng GD-ĐT cũng thiệt thòi

Các chuyên viên, cán bộ phòng GD-ĐT đều xuất thân từ nhà giáo, nhưng khi được điều về làm việc ở phòng thì đều bị mất hết các chế độ, khoản phụ cấp thâm niên, ưu đãi dành cho nhà giáo. Thay vào đó, mức lương sẽ được áp dụng như đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước bao gồm hệ số lương theo ngạch bậc và 25% phụ cấp công vụ. Tuy nhiên, mức công việc thì đặc thù vẫn là giáo dục. Dù không trực tiếp tham gia vào công việc giảng dạy nhưng để có thể công tác tại phòng GD-ĐT, họ đều là những nhà giáo có uy tín, có chuyên môn giỏi. Áp lực công việc cũng rất lớn, thậm chí còn áp lực hơn cả so với giáo viên đứng lớp khi phải trực tiếp theo dõi, điều hành cả một khối lượng các trường trong địa phương.

Y.Hoa (ghi)