Thứ ba, 15/8/2017, 21h15

Phản hồi: Bài “Nỗi buồn tuyển sinh ngành sư phạm” (ngày 14-8): Thật đau xót lòng!

Đọc những thông tin về điểm chuẩn tuyển vào trường sư phạm năm học này đã làm cho những giáo viên có trên 30 năm dạy học như tôi thật sự đau xót lòng.

Hơn 30 năm về trước, khi tôi thi vào sư phạm, năm ấy trường sư phạm chỉ trúng tuyển 300 thí sinh trên 3.200 thí sinh dự thi. Đậu vào trường sư phạm đối với tôi và gia đình lúc ấy là một vinh dự. Hai người bạn học cùng thi với tôi năm ấy đều ngưỡng mộ tôi vì hai bạn ấy thi trượt. Tôi ra trường khi ngành giáo dục hết sức khó khăn, lương không đủ sống, tôi làm thêm đủ mọi việc để bám nghề. Dù nghèo về vật chất nhưng tôi rất tự hào vì được làm giáo viên. Người thầy được mọi người kính trọng. Có chuyện gì, hàng xóm, phụ huynh…cũng đến hỏi, xin ý kiến của các thầy cô. Bởi với xã hội, giáo viên là những người giỏi, có học, hiểu biết cao.

Thế mà…, không phải mới năm nay, mà những năm gần đây, hiếm có học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Điều dễ hiểu là vì lương một giáo sinh mới ra trường không đủ sống, cũng học 4 năm ĐH như những ngành nghề khác, nhưng thu nhập thì quá thấp. Ngành giáo dục lại liên tục đòi hỏi quá cao ở người giáo viên mà chế độ đãi ngộ thì nói hoài vẫn vậy. Giáo viên đã nghèo lại không còn được cả xã hội xem trọng như trước đây. Những thông tin phụ huynh và cả học sinh đánh mắng thầy cô ngày càng nhiều đã làm nản lòng những ai muốn vào ngành sư phạm.

Đầu vào sư phạm yếu thì đầu ra kém là chuyện bình thường. Khi dự giờ các giáo viên mới ra trường những năm gần đây, tôi thật sự hốt hoảng. Kiến thức hụt hẫng, phương pháp sư phạm không vững… Tôi đã từng thẳng thắn phê bình một giáo viên mới ra trường rằng: “Thầy không nói đến kiến thức, phương pháp của em mà thầy chỉ khuyên em cần rèn tác phong sư phạm”. Bởi vì có người dự giờ mà giáo viên trẻ vẫn oang oang la mắng học sinh khi các em làm ồn với những lời lẽ nặng nề; cử chỉ, thái độ đứng dạy trong lớp như đang ở nhà mình.

Tôi nghĩ muốn ngành sư phạm không tụt dốc nữa thì việc cần làm ngay là nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên để họ sống được bằng nghề, không bị mặc cảm là nghèo trong xã hội. Giáo viên cần được giảm những công việc nặng nề nhưng quá thừa thải như hồ sơ sổ sách, các phong trào trong nhà trường…để tập trung giảng dạy mà thôi. Có như thế, ngành sư phạm mới lấy lại vị thế “sáng giá” như ngày nào.

Lê Phương Trí