Thứ bảy, 3/12/2016, 19h06

Phân luồng HS sau THCS: Tháo gỡ khó khăn để 30% HS vào học nghề

Dự thảo đề án phân luồng HS sau THCS tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020 tiếp tục đặt mục tiêu 30% HS tốt nghiệp THCS học nghề vào năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của các trưởng phòng GD-ĐT, việc thực hiện mục tiêu này còn ngổn ngang khó khăn, đặc biệt là thiếu giáo viên (GV) chuyên trách, thiếu kinh phí…

Dự kiến, TP.HCM sẽ đầu tư 50-100 tỷ đồng/năm để thu hút 30% HS tốt nghiệp THCS học nghề vào năm 2020 (ảnh chụp tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức). Ảnh: M.Châu

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị góp ý dự thảo “Đề án phân luồng HS sau THCS tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020” do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây.

Khó có GV chuyên trách

Những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp đã được chú trọng ở các trường THCS trên địa bàn thành phố như mời các trường TC, CĐ nghề về hướng dẫn tại trường, tổ chức cho HS tham quan hướng nghiệp, GV chủ nhiệm hướng dẫn tư vấn thêm…

Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.6 cho biết: “Mỗi năm phòng GD-ĐT quận đều liên hệ với các trường CĐ, TCCN, giáo dục thường xuyên trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Chúng tôi họp hiệu trưởng và GV chủ nhiệm lớp 9 để hướng dẫn thực hiện công tác phân luồng. Mỗi GV chủ nhiệm, mỗi người trong ban giám hiệu là một thành viên hướng dẫn không chuyên trách”.

Theo ông Uyên, lực lượng GV chủ nhiệm mới gần gũi HS, GV chủ nhiệm biết được HS có hoàn cảnh như thế nào, địa chỉ ở đâu để sau khi có kết quả thi vào lớp 10 công lập sẽ trực tiếp liên hệ và hướng dẫn các em chọn hướng đi khác như vào trường nghề .

Theo dự thảo này, phấn đấu đến năm 2020, 100% các trường THCS của thành phố có từ 1-2 GV chuyên trách làm công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, ông Uyên trăn trở: Đề án hướng tới mục tiêu này là rất khó thực hiện. Chẳng hạn, bậc mầm non, chỉ áp dụng theo Thông tư 35 đến nay cũng không có định biên để tuyển huống gì nay thêm biên chế này. Vì vậy, mỗi GV, mỗi lãnh đạo nhà trường làm một GV hướng nghiệp không chuyên trách thì khả thi hơn.

Bên cạnh GV chuyên trách, một số ý kiến cho rằng Sở GD-ĐT cần phải chú ý đến vấn đề quy hoạch HS vào trường nghề ngay trong khi làm hồ sơ vào lớp 10. “Sở mới chú trọng quy hoạch HS vào lớp 10, trong hồ sơ chỉ có 3 nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập. Nên chăng, trong hồ sơ tuyển sinh ngoài 3 nguyện vọng này cần có thêm mục giới thiệu một số trường TC, TCCN, CĐ nghề để các em lựa chọn”, ông Nguyễn Thành Văn - Trưởng phòng GD-ĐT Q.10 - đề xuất.

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại nữa là một số quận có dấu hiệu chững lại trong việc thu hút HS vào giáo dục nghề nghiệp. Ông Phạm Hoàng Vũ, chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú cho hay: “Từ năm 2003-2008, Q.Tân Phú làm rất thành công công tác phân luồng, mỗi năm có khoảng 800 em tham gia học nghề. Tuy nhiên, hiện nay các em tham gia giáo dục nghề nghiệp đang chững lại”. Nói về lý do, ông Vũ phân tích: Không phải chương trình hướng nghiệp thiếu phong phú mà do chương trình các môn khác quá nặng, lấn át sang dạy nghề. Đồng thời, phân phối chương trình chỉ có 1 tiết/tuần là quá ít để HS thông hiểu.

Đầu tư 50-100 tỷ/trường/năm liệu có khả thi?

Để thu hút HS vào các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường CĐ, TC buộc phải đổi mới chương trình và nâng cao cơ sở vật chất. Mục tiêu của đề án này là đầu tư 50-100 tỷ đồng/năm để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đề án.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh cho rằng, khó có khả thi. Ông Nhơn chia sẻ: “Có trường nghề tại Q.Bình Thạnh xin 3 tỷ/năm còn chật vật. Ở đây một trường/năm đầu tư 50-100 tỷ phải xem lại như thế nào?”. Trên thực tế, các trường tham gia đề án rất phấn khởi nếu được đầu tư tới 50 tỷ, thậm chí là 100 tỷ đồng/năm nhưng với việc chật vật xin kinh phí còn nhiều khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này quả là khó khăn.

Bên cạnh đó, dự thảo đề án phân luồng HS sau THCS tại thành phố giai đoạn 2016-2020 còn đặt ra mục tiêu hỗ trợ 100% học phí cho HS tốt nghiệp THCS học nghề. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Đã có quy định  HS tốt nghiệp THCS vào học nghề được miễn 100% học phí nhưng cách chi trả, thủ tục chi trả còn làm khó trường học”.

Tại hội nghị, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế miễn giảm học phí cho HS học nghề còn rườm rà, phức tạp. Ông Phạm Ngọc Thanh đề nghị các trường cần tiếp tục kiến nghị cho cơ chế này linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho các trường đào tạo nghề và các em HS.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Công, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói: Các trường cần tiếp tục đấu tranh, kiến nghị việc miễn giảm học phí tập trung về hết cho nhà trường, không phân biệt trường công hay trường tư, làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS.

Minh Châu