Thứ năm, 30/11/2017, 22h26

Phân luồng sau THCS: Chú trọng đầu ra

Các trường nếu không làm tốt đầu ra thì về lâu dài sẽ gặp khó khăn, kể cả trường công lẫn trường tư. Trường nào mà khâu giải quyết việc làm, đầu ra cho sinh viên yếu sẽ khó thu hút người học.

Phụ huynh học sinh phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Văn Phúc (Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Phú, TP.HCM) nhấn mạnh điều này trong hội nghị “Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS” do UBND Q.Tân Phú tổ chức tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM vừa qua. Đại diện nhiều trường ĐH, TCCN, THCS trên địa bàn đã tham dự.

Muốn con học hết phổ thông hoặc ĐH

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, năm học 2016-2017, toàn quận có 5.306 học sinh tốt nghiệp THCS, đa số các em học lớp 10 tại những trường THPT công lập, tư thục và Trung tâm GDTX. Chỉ có 410 em học TC, CĐ (chiếm 7,7%) và 160 em học nghề ngắn hạn, đi làm hoặc chuyển tỉnh. Các năm qua, phòng GD-ĐT và các trường THCS trên địa bàn quận đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tư vấn hướng nghiệp và đề án phân luồng học sinh, tạo đồng thuận trong các cơ sở giáo dục và phụ huynh. Hình thành được bộ phận giáo viên Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp đảm nhiệm tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh tại các trường THCS. Việc thông tin tuyên truyền cũng đã bài bản, đi vào chiều sâu hơn.

Tuy nhiên, một bộ phận cha mẹ học sinh còn nặng tâm lý muốn con em tốt nghiệp THPT và học ĐH mà không nhắm đến khả năng của các em có đáp ứng không. Một số giáo viên chủ nhiệm lớp 9 chưa quan tâm đến công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên phụ trách chưa được bồi dưỡng bài bản, chuyên sâu về tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cơ sở vật chất phục vụ tư vấn hướng nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, học phí của các trường ngoài công lập còn cao, ảnh hưởng đến việc chọn lựa của học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn.

Đại diện Trường TC Phương Nam chỉ ra khó khăn, số lượng trường tuyển sinh được từ đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS giảm liên tục trong vòng 3 năm. Cụ thể, năm 2015 trường tuyển được 92 em; năm 2016 tuyển được 43 em và chỉ 40 em năm 2017. “Công tác tuyển sinh ở các trường TC năm nay gặp vô vàn khó khăn, với trường tư thục lại càng khó gấp bội. Học sinh tốt nghiệp THCS nếu học các trường công thì được miễn học phí, nhưng học ở trường tư như chúng tôi buộc phải trả phí bởi trường còn chi trả lương giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy…”, đại diện trường nêu thực tế.

Tuyển sinh đã khó, việc giữ chân các em cũng trầy trật không kém. Chỉ riêng số học sinh Trường TC Phương Nam tuyển được năm 2015, đã có 40% bỏ học sau 1 năm học văn hóa. Con số bỏ học năm 2016 là 10%. Đã thế, việc đào tạo đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS cũng lắm vất vả. Theo đại diện nhà trường, độ tuổi này các em rất… tăng động, dễ nổi loạn, học sinh nữ đánh nhau trên lớp nhiều lần chỉ vì xích mích nhỏ. Giáo viên phải vừa dạy vừa… dỗ dành, thường xuyên kết nối gia đình phối hợp quản lý. “Trong điều kiện khó khăn như vậy, lo việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp là khâu mà nhà trường hết sức chú trọng, quan tâm vì chỉ khi học sinh được đảm bảo đầu ra mới mong tuyển sinh được những khóa mới”, đại diện trường cho biết.

Đầu ra là quan trọng, xuyên suốt

Ông Trần Văn Phúc (Phó Chủ tịch UBND Q. Tân Phú) nhấn mạnh, vấn đề đầu ra rất quan trọng, xuyên suốt trong tổ chức phân luồng học sinh sau THCS. Các trường nếu không làm rõ đầu ra thì về lâu dài sẽ gặp khó, kể cả trường công lẫn trường tư. Trường nào mà khâu giải quyết việc làm, đầu ra cho sinh viên yếu sẽ khó thu hút người học.

Ông Phúc đánh giá, tuy còn nhiều khó khăn về cơ chế, quy định cùng những vấn đề khác nhưng các trường nghề kể cả công lập và tư thục hiện đã đa dạng, phong phú, lắng nghe, muốn làm một cách hiệu quả, vượt qua những khó khăn để có thể tồn tại. Đây là điều rất quan trọng để đảm bảo việc phân luồng của quận đạt kết quả tốt.  Ông cho biết sau hội nghị này sẽ giao phòng GD-ĐT xây dựng một văn bản để thống nhất về nhận thức và chỉ đạo đối với công tác phân luồng học sinh sau THCS. Xây dựng kế hoạch, chuyên đề phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, trong đó xác định vấn đề truyền thông như thế nào, các yêu cầu đặt ra ra sao, tổ chức ngày hội tuyển sinh như thế nào cho hiệu quả... Những nội dung này sẽ được bàn kỹ trong kế hoạch để tổ chức triển khai nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ các trường trong tư vấn cho phụ huynh, học sinh về phân luồng.

Xuất khẩu lao động nước ngoài

Giới thiệu việc làm trong nước, xuất khẩu lao động nước ngoài là giai đoạn thứ 3 trong mô hình đào tạo - việc làm cho người học được Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thực hiện nhằm đa dạng hóa lựa chọn cho học sinh theo học chương trình phân luồng sau tốt nghiệp THCS. Hai giai đoạn trước đó gồm: giảng dạy văn hóa theo chương trình GDTX; đào tạo nghề trình độ TC hoặc CĐ. Theo ông Thái Doãn Thanh (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM), chương trình xuất khẩu lao động, thực tập sinh làm việc Nhật Bản hằng năm toàn trường thu hút trên 1.000 lượt sinh viên đăng ký tham gia.

“Theo chỉ đạo của TP.HCM, chúng ta sẽ sát nhập 3 trung tâm gồm: GDTX, kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và dạy nghề thành Trung tâm GDTX hướng nghiệp của quận. Các nội dung về mặt thủ tục đang trình thành phố và chờ quyết định. Như vậy, nguồn lực sẽ được nâng lên. Hiện nay, trung tâm dạy nghề riêng lẻ, việc phối hợp với GDTX, kỹ thuật tổng hợp -  hướng nghiệp rất khó; đầu tư cho dạy nghề hiện nay cũng rất khó. Sau khi sát nhập lại sẽ có đề án gắn dạy nghề với GDTX, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để quận thực hiện phân luồng học sinh sau THCS”, ông Phúc nêu định hướng.

Mê Tâm