Thứ năm, 19/4/2018, 10h39

Phát hiện kim cương từ hành tinh cổ xưa trong thiên thạch

Kim cương trong mảnh vỡ thiên thạch Almahata Sitta lao xuống Trái Đất được hình thành dưới áp suất rất lớn.
Các nhà khoa học Thụy Sĩ, Pháp và Đức, nghiên cứu số kim cương trong mảnh vỡ thiên thạch Almahata Sitta đâm xuống sa mạc Nubian, Sudan, tháng 10/2008. Họ kết luận có thể chúng đến từ một hành tinh sơ khai tồn tại cách đây ít nhất 4,55 tỷ năm.
Nhóm nghiên cứu phân tích kim cương trong thiên thạch Almahata Sitta.
Nhóm nghiên cứu phân tích kim cương trong thiên thạch Almahata Sitta.
Kim cương trong mảnh thiên thạch chứa những tinh thể rất nhỏ, đòi hỏi áp suất lớn để hình thành, theo Philippe Gillet, nhà khoa học hành tinh tại Học viện Công nghệ Liên bang Lausanne, đồng tác giả cuộc nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu tính toán áp suất cần thiết là khoảng 20 tỷ pascal (Pa). Điều đó cho thấy hành tinh này ít nhất lớn tương đương sao Thủy, thậm chí sao Hỏa.
Giới khoa học từ lâu đã đưa ra giả thuyết hệ Mặt Trời ban đầu chứa nhiều hành tinh hơn. Theia, một trong những hành tinh sơ khai, được cho là va chạm với Trái Đất trẻ, làm bật ra lượng lớn vật chất mà sau này tạo nên Mặt Trăng.
Vũ trụ thời kỳ sơ khai có thể tồn tại nhiều hành tinh hơn hiện nay.
Vũ trụ thời kỳ sơ khai có thể tồn tại nhiều hành tinh hơn hiện nay.
"Chúng ta đang nắm trong tay dấu tích của thế hệ hành tinh đầu tiên. Thế hệ này ngày nay không còn tồn tại do bị phá hủy hoặc hợp nhất vào một hành tinh lớn hơn", Gillet cho biết.
Phương pháp sử dụng trong nghiên cứu mới rất đảm bảo và kết luận này có vẻ hợp lý, theo Addi Bischoff, chuyên gia về thiên thạch tại Đại học Muenster. Ông cho rằng có thể phát hiện thêm bằng chứng về áp suất cao ở khoáng vật xung quanh số kim cương.
HT (theo khoahoc.tv)