Thứ bảy, 27/8/2016, 09h36

Phát hiện rất nhiều vấn đề tại các dự án BOT

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 được Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 26.8 cho biết, qua kiểm toán một số dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, BOT đã phát hiện “rất nhiều vấn đề”.

Các dự án thu phí BOT đang gây nhiều hệ lụy đối với nhà nước và người dân  /// Ảnh: Đ.N.T
Các dự án thu phí BOT đang gây nhiều hệ lụy đối với nhà nước và người dân ẢNH: Đ.N.T
Trong đó, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến khó xác định tính đúng đắn của phương án tài chính. Việc xác định lưu lượng xe qua lại trạm thu phí chỉ căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế trong 2 ngày của đơn vị tư vấn. Bên cạnh đó, một số dự án BOT mở các trạm thu phí có khoảng cách rất ngắn, chẳng hạn trạm thu phí dự án mở rộng QL1 qua tỉnh Quảng Bình và trạm thu phí hầm Đèo Ngang chỉ cách nhau 10 km.
Hệ lụy từ "cơ chế mềm"
Theo ông Ngô Văn Quý - Kiểm toán trưởng chuyên ngành 4, nhiều tồn tại của dự án BOT có nguyên nhân từ cơ chế chính sách của nhà nước. Cụ thể, theo quy định, các trạm thu phí bố trí cách nhau tối thiểu 70 km nhưng lại có cơ chế mềm khác là nếu dưới 70 km thì phối hợp với địa phương để có phương án. “Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ không nên để lại cơ chế mềm này, cứ đúng quy định mà thực hiện, đồng thời kiến nghị nhà nước rút ngắn thời gian hoàn vốn một số dự án”, ông Quý cho biết.
Phát hiện rất nhiều vấn đề tại các dự án BOT - ảnh 1
Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ không nên để lại cơ chế mềm này, cứ đúng quy định mà thực hiện, đồng thời kiến nghị nhà nước rút ngắn thời gian hoàn vốn một số dự án
Phát hiện rất nhiều vấn đề tại các dự án BOT - ảnh 2
Ông Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 4
Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, Kiểm toán trưởng khu vực 9, đơn vị đang thực hiện kiểm toán một số dự án BOT cho hay, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn nhưng nhà đầu tư chỉ góp phần rất nhỏ, còn lại là vay ngân hàng. Chi phí lãi và trả gốc cao nên thời gian hoàn phí lâu, khiến các dự án BOT đang phát sinh nhiều vấn đề đối với phát triển mạng lưới giao thông và người dân, doanh nghiệp. Từ thực tế thực hiện kiểm toán tại dự án cầu Cổ Chiên trên QL60 ở tỉnh Trà Vinh, ông Tịnh cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn, trái phiếu chính phủ để đầu tư các dự án về cầu đường. “Chúng tôi được biết do ngân sách khó khăn nên tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục thu hút các dự án BOT, và điều này sẽ gây áp lực về kinh tế cho người dân sau này”, ông nói.
Ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cảnh báo các dự án thu phí BOT đã và đang gây nhiều hệ lụy đối với nhà nước và người dân, một số ủy ban của Quốc hội đã có kế hoạch giám sát các dự án này trong thời gian tới.
Kỷ luật tài chính không nghiêm
Theo báo cáo, năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán tại 203 đơn vị thuộc T.Ư và địa phương, phát hiện nhiều bộ ngành trong tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức và vượt dự toán đã được duyệt.
Có 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách; nhiều đơn vị đã sử dụng tài sản không đúng mục đích, trang bị xe công vượt định mức. Cụ thể, ngành Y tế đã sử dụng vượt định mức 17 chiếc xe công, trong đó tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 3 xe, Đại học Y Dược TP.HCM 5 xe… TP.Đà Nẵng tự ý điều chuyển 4 chiếc xe công cho những đơn vị không có tiêu chuẩn trang bị xe. Một số tập đoàn, tổng công ty sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định. Trong đó, Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) - công ty mẹ mua xe Toyota 4Runner 2,25 tỉ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép tới 1,21 tỉ đồng. Công ty cổ phần xây dựng số 1 - Việt Nguyên mua xe Mercedes-Benz và thanh lý xe Audi cũng không đúng quy chế tài chính.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đánh giá, sai phạm chi tiêu ngân sách là “câu chuyện cũ đã kéo dài qua nhiều năm”. Nguyên nhân chính là do kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Ông Dũng cũng bày tỏ “không biết chắc tình trạng này có được cải thiện trong thời gian tới hay không”.
Mua 96.455 tỉ nợ xấu, cả năm bán được 627 tỉ đồng
Năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước, 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, qua đó cho thấy nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Tổng nợ xấu toàn hệ thống thời điểm tháng 12.2014 là hơn 145.000 tỉ đồng (tăng hơn 28.000 tỉ so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển (VDB) là 11,5%, tăng 68% so với năm 2013. Theo Kiểm toán Nhà nước, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC). Cụ thể, đã bán hơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng xử lý nợ xấu trong năm 2014. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đánh giá xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua.
 

Thái Sơn/TNO