Thứ bảy, 20/1/2018, 19h25

Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh

Trong văn bản kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM, Thủ tướng có đề nghị ĐH Quốc gia TP.HCM sớm lọt top 100 trường ĐH hàng đầu châu Á và kỳ vọng đây là một ĐH trọng yếu của quốc gia, mang tầm quốc tế. Để đạt được những nhiệm vụ đó, ĐH Quốc gia TP.HCM cần chú trọng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh...

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.Tâm

Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho biết điều này tại Hội thảo “Chiến lược khoa học và công nghệ phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh” vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Phải đầu tư dài hạn...

Theo ông Quân, nhiều kỳ vọng của ĐH Quốc gia TP.HCM vào các nhóm nghiên cứu mạnh, trước hết là nâng cao xuất bản quốc tế, vì đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong xếp hạng ĐH. “Chúng ta nhận ngân sách từ Nhà Nước với một nguồn tương đối lớn. Thời gian qua, số lượng xuất bản của chúng ta có vẻ như chưa đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước, xã hội”, ông Quân nhìn nhận.

Thứ 2, số lượng phát minh, sáng chế của ĐH Quốc gia TP.HCM còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thứ 3, thông qua nghiên cứu khoa học, nâng số lượng nghiên cứu sinh, đặc biệt là các nghiên cứu sinh làm, bảo vệ đề tài tại ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiện nay chỉ số sau ĐH ngày càng giảm, đây cũng là chỉ số quan trọng trong việc xếp hạng ĐH. Do vậy ĐH Quốc gia TP.HCM mong muốn thông qua các nhóm nghiên cứu mạnh có thể đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa số lượng nghiên cứu sinh. Thứ 4, có nhiều hướng nghiên cứu ứng dụng, công nghệ… nhưng điểm đến cuối cùng vẫn là các hợp đồng chuyển giao công nghệ và phải cụ thể bằng những con số. Để đạt được kỳ vọng này, chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM là đầu tư dài hạn chứ không mua bán. Bên cạnh đó, cần có đột phá về chính sách; tin học hóa trong quản lý các đề tài, dự án…

Trên thực tế, tại ĐH Quốc gia Hà Nội, việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đã và đang được tập trung ưu tiên nhằm tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho một số nhóm nghiên cứu để có đủ khả năng thực hiện các nghiên cứu đỉnh cao và xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc. Đến tháng 12-2017, ĐH này đã công nhận 27 nhóm nghiên cứu mạnh và 5 nhóm nghiên cứu tiềm năng.

PGS.TS Vũ Văn Tích - Ban Khoa học công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho hay, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, trong quá trình phát triển hệ thống các nhóm nghiên cứu mạnh vừa qua, tính tự phát còn phổ biến; chính sách đầu tư và các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu chưa đồng bộ, chậm được triển khai…

... và “vắt kiệt sức các nhóm nghiên cứu mạnh”

 Trước khi đóng góp ý kiến phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐH Quốc gia TP.HCM, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam - Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - chỉ ra nhiều khó khăn trong hoạt động thực tế của nhóm nghiên cứu. Từ 2010 đến nay, nhóm nghiên cứu này đã công bố 56 bài báo quốc tế SCI/SCIE. Hiện tại nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của nhóm nghiên cứu chỉ có thể làm việc 2-3 ngày/tuần, thời gian còn lại phải nghỉ vì các hệ thống thiết bị quá tải, phải chờ đợi. Để có thể làm việc hết khả năng, cần đầu tư thêm kinh phí bảo trì, bảo dưỡng. Nếu đầu tư thêm, có thể sẽ tăng gấp đôi số lượng công bố.

Bên cạnh đó, nhóm cũng “khổ sở” với vấn đề tài chính. đơn cử ngành hóa, năm nay viết đề cương để 1-2 năm sau thực hiện nhưng phải khai chi tiết các khoản chi phí. Điều này rất vô lý, không có ý nghĩa nhưng vẫn phải làm. Ngoài thủ tục tài chính phiền hà, thủ tục nghiệm thu đề tài của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện cũng rườm rà không cần thiết. Chủ nhiệm đề tài mất nhiều thời gian để viết báo cáo giữa kỳ và cuối kỳ (3 cuốn/lần), trong khi các cuốn này hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong việc xếp hạng cho ĐH Quốc gia TP.HCM. Vì vậy, cần đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu đề tài, chỉ cần cuốn báo cáo nghiệm thu 10-20 trang.

Để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của ĐH Quốc gia TP.HCM, GS. Nam cho rằng, muốn hội nhập quốc tế cần tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực quốc tế và không nên sáng tạo ra những chuẩn mực riêng.

Đặc biệt, ĐH Quốc gia và cả các tổ chức ở Việt Nam cần tuyệt đối tránh chủ trương đã được cấp kinh phí hay được đầu tư rồi thì… nhường cho nhóm khác, tức đầu tư dàn trải, mỗi người có một chút. Kinh phí đầu tư phải dựa vào hiệu quả hoạt động, chứ không chia đều ra mỗi người một chút cho… vui vẻ.

“Cần áp dụng chủ trương “vắt kiệt sức các nhóm nghiên cứu mạnh” bằng cách tạo mọi điều kiện cho họ. Các trường ĐH trẻ và trường có nhiều công bố đang làm tốt chuyện này. ĐH Quốc gia TP.HCM không “vắt kiệt sức” nên rất nhiều tiến sĩ đang cung cấp thêm số bài cho những nơi khác”, GS. Nam nêu thực tế.

Mê Tâm