Thứ sáu, 27/8/2010, 08h08

Phát triển giáo dục mầm non bị “cản” bởi văn bản

Chất lượng GDMN tại TP.HCM sẽ phát triển hơn nếu các văn bản pháp quy phù hợp với thực tế (giờ ăn của các cháu Trường MN 19-5 TP)

Sáng 26-8, Đoàn đại biểu của Quốc hội do ông Lê Minh Hồng - Phó chủ nhiệm UB Văn hóa- Thanh niên - Thiếu niên & Nhi đồng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP.HCM xung quanh công tác phát triển giáo dục mầm non (GDMN).
Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Tiến Đạt báo cáo: “Toàn thành phố hiện có 678 trường MN, trong đó có 401 trường công lập và 277 trường ngoài công lập. Hiện các cơ sở này đang nuôi giữ 270.841 trẻ, trong đó có 80.472 trẻ 5 tuổi (đạt 96,6% số trẻ trong độ tuổi). Tổng số giáo viên MN là 12.416 người (công lập và ngoài công lập). Những năm qua, ngành GDMN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tạo được sự tín nhiệm của phụ huynh”…
Cơ sở vật chất vẫn “chạy sau” số lượng học sinh
Năm học 2010-2011, cùng với cả nước, TP.HCM sẽ thực hiện phổ cập giáo dục MN đối với trẻ 5 tuổi. Theo đó, đoàn đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Ông Lê Như Tiến hỏi: “Để thực hiện phổ cập giáo dục đối với trẻ 5 tuổi, TP.HCM gặp khó khăn gì về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên?”. Bà Phạm Thị Hải hỏi thêm: “Dù tỷ lệ trẻ 5 tuổi ở TP.HCM ra lớp đạt 96,6% nhưng sĩ số cháu/lớp vẫn còn cao. Nhiều lớp lên tới 50, 60 cháu, gấp 1,5 đến 2 lần so với quy định của Bộ GD-ĐT. Nếu tất cả trẻ 5 tuổi ra lớp và học 2 buổi/ngày thì các lớp dưới (từ 4 tuổi trở xuống) có bị ảnh hưởng không, lớp 2 buổi có phải chuyển xuống 1 buổi không?”…
Trả lời những câu hỏi này, TS. Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP nói: “Với chủ trương mỗi xã, phường phải có ít nhất một trường MN công lập, trong những năm qua TP.HCM đã đầu tư xây mới nhiều trường MN, nhất là ở những nơi chưa có trường công lập. Điển hình như năm 2010, toàn thành phố đã xây mới và đưa vào sử dụng 15 trường MN với tổng kinh phí trên 228 tỷ đồng. Song, do số dân nhập cư hàng năm tăng nhiều, đặc biệt là trẻ 4, 5 tuổi theo cha mẹ vào thành phố sinh sống có nhu cầu đi học lớn nên việc xây dựng dù có được đẩy mạnh cũng không theo kịp tốc độ tăng dân số…”.
Bà Trần Thị Ngọc Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cũng cho biết: “Năm 2003, UBND TP.HCM có Quyết định số 02/2003 về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đến năm 2020. Theo đó, yêu cầu các quận, huyện dành quỹ đất cho giáo dục. Tuy nhiên, lúc đó dân số thành phố chỉ có trên 5 triệu người. Nay đã tăng lên trên 8 triệu người nên việc quy hoạch trường lớp lúc nào cũng “chạy sau” sự phát triển về số lượng học sinh”…
Về đội ngũ giáo viên, hiện thành phố có 8.230 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại 4.021 lớp MN công lập, trung bình trên 2 giáo viên/lớp. Ngoài ra, mỗi lớp còn có 0,5-1 bảo mẫu. Tuy nhiên, ở khối ngoài công lập thì vẫn còn thiếu tới 1.500 giáo viên. Hiện các cơ sở này phải sử dụng bảo mẫu thay thế. Do vậy, trong năm học 2010-2011, các phòng GD-ĐT quận, huyện sẽ phối hợp với các trường sư phạm để đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ này…
Nhiều văn bản “kìm hãm” sự phát triển GDMN
Trước đây, ít ai quan tâm đến GDMN, theo đó có không ít văn bản pháp quy đã cản trở sự phát triển của bậc học này.
Điển hình như Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ, tại phần 3, mục d nêu rõ: hạn chế xây dựng trường công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Theo đó, từ năm 2005 đến nay, dù nhu cầu gửi con của phụ huynh rất lớn nhưng TP.HCM vẫn không thể tiến hành xây dựng thêm trường ở những quận nội thành. Cũng Nghị quyết này, tại phần 3, mục e nêu: Đến năm 2010 yêu cầu tỷ lệ học sinh ngoài công lập chiếm 80% (đối với nhóm nhà trẻ) và 70% (đối với nhóm mẫu giáo). “Hiện nay tỷ lệ học sinh MN học công lập và ngoài công lập ở TP.HCM là 60%-40%. Như vậy là rất phù hợp, nếu tăng tỷ lệ trẻ học ngoài công lập sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nuôi dạy trẻ”, bà Ngọc Anh cho biết.
Điều lệ trường MN cũng có một số điều chưa phù hợp, đặc biệt là điều 2 yêu cầu các trường phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Điều này rất khó thực hiện, bởi kinh phí nuôi dưỡng 1 cháu 3 tháng tuổi rất lớn (tốn giáo viên, chiếm nhiều diện tích). Trong khi đó ngân sách chi cho lứa tuổi nhà trẻ không hơn mẫu giáo là bao nhiêu. Ngoài ra, chương trình đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm cũng chưa phù hợp với lứa tuổi quá nhỏ này…
“Những văn bản pháp quy cần tiếp tục xây dựng theo yêu cầu thực tế để tạo điều kiện cho GDMN phát triển. Trong đó có chế độ phụ trội làm thêm giờ cho giáo viên MN, bởi thời gian làm việc của các cô là trên 8 tiếng/ngày. Cần có văn bản bổ sung điều chỉnh kinh phí cho một cháu nhà trẻ gấp đôi cháu mẫu giáo, do đặc thù cháu nhà trẻ cần chăm sóc kỹ hơn, bố trí giáo viên tại lớp nhiều hơn. Cần có văn bản công nhận và quy định cho trường MN công lập chất lượng cao để tiến hành thu phí cao nhằm góp phần tăng kinh phí đầu tư của Nhà nước cho các khu vực nghèo và thực hiện công bằng trong GD…”, ông Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị thêm.
“Đoàn giám sát sẽ ghi nhận những kiến nghị của ngành GD-ĐT TP.HCM và trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp”, ông Lê Minh Hồng nói.
Bài, ảnh: Hòa Triều