Thứ bảy, 14/11/2015, 23h58

Phát triển nhân lực gắn với kinh tế địa phương

Em nữ sinh tự tin đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Trong tuần qua, chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh Trường THPT An Nhơn Tây. Tại đây, Ban tư vấn đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về định hướng phát triển kinh tế của địa phương Củ Chi.

Phải biết nhà tuyển dụng cần gì?

Mở đầu chương trình, em Đinh Quốc Trung (học lớp 12A2) giãi bày: “Học lực của em chỉ đạt trung bình khá. Trong khi em được biết sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Vậy những học sinh như em có “cửa” trở thành nhân lực được trọng dụng hay không?”. Giải tỏa băn khoăn này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng nhân lực muốn được trọng dụng thì trước hết phải biết học hỏi, rèn luyện và phát huy đúng khả năng của mình; phải biết nhà tuyển dụng cần gì, mình có những năng lực gì và năng lực đó có đúng với yêu cầu của họ hay không. Đối với học sinh vùng “Đất thép thành đồng” Củ Chi, việc rèn luyện và phát huy năng lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương là rất cần thiết. Củ Chi là địa phương có nhiều tiềm năng về kinh tế, là nơi giao thương giữa TP.HCM với Long An, Tây Ninh và Bình Dương, có lợi thế về giao thông thủy - bộ, không bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, nguồn nước dồi dào… Đây còn là vùng nằm trên tuyến đường xuyên Á nối liền với các quốc gia trong khu vực cũng như trong toàn bộ châu Á nên có một vị trí khá thuận lợi trong sự chọn lựa đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Hiện huyện Củ Chi đã tiến hành qui hoạch các cụm thị trấn theo các trục giao thông huyết mạch, đã hình thành các khu công nghiệp như Tây Bắc Củ Chi, Tân Phú Trung, Tân Qui… với quy mô lớn. Vì vậy, nhân lực các ngành cơ khí, kỹ thuật sẽ rất cần thiết cho chiến lược phát triển tại địa phương.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, Củ Chi cũng là vùng có sự phát triển đa dạng về kinh tế trong nông nghiệp khi có các xã theo mô hình nông thôn mới với nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề bánh tráng, mây tre lá; các khu di tích, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí thu hút nhiều khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, nếu nghiên cứu kỹ hướng phát triển của địa phương, sử dụng năng lực phù hợp theo hướng phát triển này cộng thêm các kỹ năng về ngoại ngữ, nghề nghiệp thì các em sẽ rất có lợi thế ngay chính tại địa phương mình.

Học sinh vui mừng trước các thông tin do Ban tư vấn cung cấp

Nhiều hướng vào ngành công an, quân đội

Bên cạnh những câu hỏi về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhiều học sinh còn quan tâm đến khối ngành công an, quân đội. Em Nguyễn Tiểu Kiều (học lớp 12A4) tâm tư: “Em rất thích ngành công an, nhưng với học lực của em thì rất khó để vào hệ ĐH. Vậy những hệ khác xét tuyển có khó không?”. Tương tự, một học sinh lớp 12A1 cũng đặt câu hỏi về quy trình đào tạo, xét tuyển những ngành mà lực lượng vũ trang đang cần. TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết trong những năm gần đây, khối ngành công an, quân đội lấy điểm rất cao do tỷ lệ thí sinh đăng ký vào khối ngành này nhiều, ngay hệ trung cấp cũng lấy 16-17 điểm trở lên. Số chỉ tiêu dành cho nữ ở khối ngành này chỉ chiếm 10% trong tổng chỉ tiêu hàng năm. “Tuy nhiên, theo tôi, các em không nhất thiết phải học ở các trường đào tạo công an, quân đội mới được làm trong ngành này. Nếu các em để ý thì sẽ thấy khối ngành này vẫn tuyển nhân sự từ các trường ngoài để làm việc trong những lĩnh vực pháp y, hóa dược liệu, môi trường… Vì vậy, các em hoàn toàn có cơ hội làm việc trong ngành công an, quân đội nếu ngành học đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, các em học sinh có thể đi theo khối ngành này bằng cách tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo chủ trương của Nhà nước. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ, các em tiếp tục học nâng cao trình độ theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Còn nếu không thể đi theo con đường này, các em cũng có thể thực hiện nghĩa vụ công dân tham gia hỗ trợ công tác tố giác tội phạm, bắt trộm cướp để bảo vệ bình yên cho người dân nơi mình sinh sống.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Học sinh đã mạnh dạn chọn trường nghề

Cô Đỗ Thị Ba, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây, cho biết sau những lần phối hợp cùng Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức các chương trình hướng nghiệp, học sinh lớp 12 của trường đã mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn trường, hệ đào tạo nghề. Thống kê từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy, tuy tỷ lệ học sinh vào ĐH của trường chỉ chiếm 30% nhưng không có em nào ở nhà sau khi học hết lớp 12. Đa phần các em đều nộp hồ sơ vào học các trường CĐ nghề, TC nghề có đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ, cơ khí để trở thành những nhân lực có tay nghề phục vụ sự phát triển của địa phương.