Thứ sáu, 16/6/2017, 10h29

Phí lao động của Việt Nam ngang bằng Thái Lan

Đại diện cho hơn 1.600 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã chỉ ra tình trạng lương tối thiểu tăng làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Ông Karashima cũng cho rằng, khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ với trụ cột là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Phí lao động của Việt Nam ngang bằng Thái Lan. ảnh minh hoạ internet
Phí lao động của Việt Nam ngang bằng Thái Lan. ảnh minh hoạ internet

Tăng lương tối thiểu khiến Việt Nam mất khả năng cạnh tranh

Sáng 16/6, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017, đại diện JBAV đưa ra một số ý kiến dựa trên quan điểm về việc duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Theo đó, trong những năm qua, mức tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số giá tiêu  dùng (CPI). Điều đó khiến  mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu.

“Nếu bao gồm cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan”, ông Karashima nói.

Theo lãnh đạo JBAV, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần mở rộng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, với tốc độ tăng nhanh như vậy, Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng. Chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI. Hơn nữa, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, vấn đề hết sức quan trọng là Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, thế mạnh của nước lao động giá rẻ sắp không còn bởi sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp sự phát triển của thế giới.

Phát triển DNNVV làm trụ cột cho công nghiệp phụ trợ

Người đứng đầu Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần thiết phải tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) ngay lập tức. Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ông Karashima cho rằng cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những doanh nghiệp có thế mạnh và kiến thức chuyên môn cao (chẳng hạn như các nhà sản xuất khuôn mẫu), được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước.

Hiện nay, một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một rào cản đối với DNVVN của Nhật Bản khi di chuyển sang Việt Nam. Rào cản này nằm trong các quy định (chính sách) về nhập khẩu máy móc và thiết bị đã qua sử dụng. Về nguyên tắc, Thông tư số 23 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 về nguyên tắc cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị sử dụng dưới 10 năm, đồng thời cần có chỗ để nhập khẩu những máy móc, thiết bị hơn 10 năm.

Chẳng hạn, chúng tôi rất mong muốn cơ quan lập pháp của Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng làm tài sản cố định của doanh nghiệp của họ, được phép mang máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà không tính đến hạn chế số năm sử dụng. Sau đó, các nhà đầu tư và DNNVV với những thế mạnh riêng của họ có thể khuyến khích hơn nữa việc di chuyển đến Việt Nam.

“Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia về doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các ngành công nghiệp phụ trợ, không chỉ từ góc độ cung cấp thiết bị mà còn từ quan điểm di chuyển không bị ràng buộc về nguồn nhân lực, Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh của mình. Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản luôn sẵn sàng và có thiện chí đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đề xuất.

Đáp lại ý kiến của đại diện JBAV, Thứ trưởng Đặng Huy Đông, mong muốn các hiệp hội DN đưa ra khuyến nghị hữu ích và khả thi để cùng phát triển hiệu quả hơn. Bộ KH&ĐT sẽ tập hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo cơ quan liên quan giải quyết trên tinh thần hợp tác.

Theo Tiền Phong