Thứ năm, 20/2/2014, 20h02

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: GV đã yên tâm gắn bó với nghề

Cô và trò Trường Mầm non Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) trong giờ học với phần mềm vui học Kidsmart

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi, có thể nói GDMN đã có những bước chuyển mình.
MN là bậc học đầu tiên nhưng phải rất nhiều nỗ lực của ngành cũng như của Chính phủ, một đề án cho bậc học này mới được ra đời. Khi đi vào thực tế, nó nhận được rất nhiều sự đồng thuận của xã hội.
Tăng quyền lợi cho GV
Gắn bó với GDMN từ năm học 2003-2004, nhưng mãi đến năm học 2013-2014 cô giáo Ninh Thị Vân Anh, Trường MN xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, Nam Định mới chính thức được vào biên chế. Khi nhận quyết định biên chế tháng 8-2013, cô mừng đến rơi nước mắt. Cô mừng vì 10 năm gắn bó với nghề, nay đã có chỗ đứng trong ngành giáo dục và mừng hơn là cô được về điểm trường dạy gần nhà. Với cô giáo Vân Anh cũng như các GVMN của tỉnh Nam Định được vào biên chế năm vừa qua, từ nay, họ đã yên tâm gắn bó với nghề, yên tâm để yêu trẻ, chăm sóc trẻ, không còn phải lo “chân trong chân ngoài”. Họ đã được nhận mức lương theo đúng bằng cấp được đào tạo.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm thực hiện đề án, số lượng GV trong biên chế tăng nhanh. Tại 34 tỉnh thực hiện chuyển đổi trường bán công sang công lập đã tuyển dụng vào biên chế 39.677 GVMN. Nâng tổng số biên chế đối với cán bộ quản lý là 33.965/34.130 (99,5%), tăng 9.922 (19,9%); GVMN đứng lớp 154.150/261.480 (59%), tăng 69.544 GV (15,9%). Công tác tuyển dụng và đảm bảo các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ GV đã góp phần nâng cao đời sống, vị thế và GV phấn khởi, yên tâm gắn bó với nghề. Các tỉnh tuyển dụng số lượng lớn GV vào biên chế là Thanh Hóa trên 8.000 người, Nghệ An, Hà Nội gần 6.000 người, Vĩnh Phúc trên 3.500 người, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế gần 3.000 người. Cả nước đã chuyển 4.592 trường MN bán công sang công lập. Chỉ tính riêng trong 3 năm học từ 2010 đến 2013, các địa phương đã chuyển 3.914 trường bán công sang công lập. Cùng với quá trình chuyển đổi này, cả nước đã có thêm 310 trường MN tư thục được thành lập mới, nâng tổng số trường tư thục lên 1.347 trường, đạt tỷ lệ 10,5%.
Trẻ được chăm sóc tốt hơn
Không một trẻ MN 5 tuổi nào không có chỗ học là quyết tâm của các địa phương khi thực hiện Đề án PCGDMN. Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án PCGDMN đã đạt được những kết quả tích cực: Toàn quốc có 10 tỉnh được công nhận đạt chuẩn; đến hết tháng 11-2013, có 8.534/11.135 xã, đạt 75,9% đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, 323/702 đơn vị cấp huyện (đạt 46,01%) đạt chuẩn PCGDMN. Đến nay, mạng lưới trường lớp MN được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận, huyện, xã, phường, thôn, bản đáp ứng nhu cầu phổ cập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Các địa phương đã quan tâm rà soát quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để xây dựng trường MN công lập ở các phường nội thành, tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tăng dân số cơ học nhanh (Hà Nội, TP.HCM). Quy mô và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tăng qua các năm: Cháu nhà trẻ ra lớp tăng bình quân hàng năm 3%; trẻ mẫu giáo tăng 7% năm; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 23%; tỷ lệ trẻ mẫu giáo đạt 86,5%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,7%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện đề án vẫn còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết ở một số tỉnh còn chậm, lúng túng trong tham mưu đề xuất các biện pháp và nguồn lực đầu tư cho phổ cập. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp MN ở một số địa phương còn hạn chế; trường, lớp còn thiếu nhiều, nhất là trường, lớp MN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lớp ghép 2-3 độ tuổi vẫn còn nhiều: Lớp ghép 3 độ tuổi có 4.924 lớp (chiếm tỷ lệ 3,3%), lớp ghép 2 độ tuổi có 4.012 lớp (chiếm tỷ lệ 2,6%). Vẫn còn một số ít địa phương thực hiện chương trình 26 tuần ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Việc quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập ở một số địa phương chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng không ít cơ sở GDMN tư thục hoạt động không có giấy phép, vẫn còn hiện tượng bạo hành trẻ trong một số trường tư thục và nhóm, lớp gây bức xúc cho xã hội.
Do còn nhiều khó khăn, theo Bộ GD-ĐT, một trong những nội dung mới so với mục tiêu lâu nay đã xác định về đổi mới căn bản, toàn diện đối với GDMN sẽ là hoàn thành mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và thực hiện miễn học phí trước năm 2020 cho đối tượng này. Bộ cũng đặt mục tiêu từng bước chuẩn hóa hệ thống các trường MN. Phát triển GDMN cho trẻ dưới 5 tuổi có chất lượng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục.
Nghiêm Huê