Thứ hai, 3/3/2014, 10h03

Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn: Chất lượng là câu chuyện dài

Mùa tuyển sinh (TS) 2014 sẽ có nhiều điểm mới, mới không chỉ với thí sinh mà còn mới với chính các trường ĐH, CĐ. Nhiều trường đã đưa phương án TS riêng lên Bộ GD-ĐT. Đối với ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), năm nay sẽ là năm bản lề để mùa TS 2015 trường có phương thức TS hoàn toàn mới. Phó giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về các vấn đề liên quan đến TS của trường năm 2014 và suy nghĩ của ông về những đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT.
PV: Vừa qua, Bộ GD-ĐT có thông báo bỏ điểm sàn, quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc bỏ hay không bỏ điểm sàn có nhiều ý kiến thảo luận và phần nhiều là lo lắng. Theo tôi, việc bỏ điểm sàn là hướng cần thiết và nếu bỏ không cần điều kiện, không cần hàng rào nào khác cũng là việc có thể làm được. Vì các trường phải tự chịu trách nhiệm trước việc đào tạo của mình, quan trọng nhất là phải làm nghiêm đầu ra của chương trình đó và phải có sự sàng lọc tốt trong toàn quá trình đào tạo. Do đó, dẫu đầu vào có rộng một chút nhưng đầu ra làm nghiêm, ai không học được sẽ phải tự rời bỏ vị trí học tập của mình. Làm nghiêm đầu ra cũng là theo thông lệ quốc tế. Còn nếu bỏ điểm sàn lại phải nghĩ ra phương án nào khác thì có phức tạp nhất định. Còn nếu nhất định phải có tiêu chuẩn nào đó để làm điều kiện thì nên mỗi trường, tùy theo điều kiện của mình chọn một môn tương đối quan trọng của khối thi để xét điểm. Ví dụ như vào ngành khoa học về tính toán thì có thể trong 3 môn khối A chọn môn toán, môn toán phải vượt qua 4 điểm hoặc 5 điểm, những môn còn lại thì thoải mái hơn. Nhưng dẫu sao đặt ra rào cản như thế cũng khá phức tạp. Như vậy, bỏ điểm sàn nhưng lại có một sàn khác thì về căn bản không thay đổi. Do vậy, theo ý kiến cá nhân của tôi thì nên bỏ luôn.
Nhưng rõ ràng có một thực tế, các trường ĐH Việt Nam thành lập ồ ạt trong khi kiểm định đầu ra chưa được đánh giá tốt. Do đó thiệt thòi vẫn về phía người học. Các trường vẫn chưa chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Chỉ có một cách là chúng ta tăng cường kiểm định, giám sát cung cầu với trường ĐH. Còn mọi giải pháp đơn lập đều rất ít có ý nghĩa, cần có giải pháp tổng thể.
Sắp tới sẽ tiến tới một kỳ thi quốc gia. Ý kiến của ông như thế nào?
Nếu vẫn cần thiết phải có một kỳ thi chung mang tính quốc gia, vừa làm căn cứ tốt nghiệp, vừa làm căn cứ cho các trường ĐH xét, thì tính chất của kỳ thi đó phải khác hiện nay. Tính chất của nó vẫn là thi quốc gia, nhưng phải hướng đến đánh giá năng lực tổng hợp. Chỉ cần một bài thi, trong đó kiểm tra được cả kiến thức, năng lực, kỹ năng tính toán, hiểu biết xã hội, tự nhiên...bất kỳ cái gì học sinh đã học ở phổ thông phải được đánh giá. Nhưng đánh giá một cách tổng hợp. Với bài thi tổng hợp đó thì sẽ không còn tình trạng năm nay thi môn này, sang năm thi môn kia, cái này có học, có thi hay không. Nguyên tắc có học phải có thi nhưng theo tôi, bài đánh giá tổng hợp là điều học sinh cần đạt tới. Đó cũng là chuẩn để các trường ĐH có thể chọn ứng viên. Sau đó, tùy lĩnh vực của mình mà các trường có thể có những bài đánh giá chuyên biệt, có trường không cần... đó là một định hướng. Đối với học sinh phổ thông, tôi muốn nhấn mạnh lại quan điểm cá nhân của mình: Có học phải có thi nhưng việc thi đó phải thường xuyên, nó đánh giá được chất lượng của học sinh khi kết thúc môn học hoặc học phần nào đó. Còn nếu chỉ dồn vào một giai đoạn nhất định mới kiểm tra đánh giá thì học sinh sẽ dồn vào học và sẽ quên, điều này không có nhiều ý nghĩa.
Năm nay, bộ chủ trương cho một số trường TS riêng, ý kiến của ông về chủ trương này?
Các trường được tự chủ TS là hướng đi tất yếu và được quy định trong Luật Giáo dục ĐH. Vấn đề là các trường sẽ thực hiện quyền và trách nhiệm như thế nào? Cũng có những trường sẽ làm chủ động và không mấy khó khăn nhưng có những trường nếu không có bước chuẩn bị thì việc TS riêng sẽ có khó khăn từ khâu ra đề, khâu chấm, tuyển chọn... Việc cần có thời gian 3 năm duy trì kỳ thi 3 chung, theo tôi là cần thiết để các trường chuẩn bị. Chuẩn bị về nhân lực, yếu tố kỹ thuật, trong 3 năm theo tôi các trường cũng phải triển khai rất tích cực thì mới có thể đảm nhiệm được phần chủ động. Về phía Bộ GD-ĐT, để các trường chủ động nhưng cũng phải có biện pháp hỗ trợ. Hỗ trợ bằng cách thành lập tổ chức đánh giá chung mà kết quả có thể nhiều đơn vị chia sẻ. Như vậy, các trường vẫn tự chủ TS nhưng vẫn  tiết kiệm cho xã hội và giảm bớt công sức thời gian cho trường ĐH hơn.
Năm nay hầu hết các trường đều đưa ra phương thức TS là một nửa theo “3 chung”, một nửa xét tuyển hồ sơ. Theo ông, phương án các trường đưa ra hiện nay là an toàn cho các trường?
Cái này khó bình luận. Nhưng rõ ràng, để chuẩn bị TS độc lập, bài bản, xã hội có thể thừa nhận được thì cần chuẩn bị nhiều năm. Ví dụ như ở ĐHQGHN xây dựng bộ chuẩn đánh giá đã phải làm nhiều năm nay và phải có 60 nhà khoa học các lĩnh vực khác nhau để cùng làm việc, đồng thời phải có khoa học kiểm tra đánh giá, đo lường tiên tiến thì mới có thể đánh giá được. Chúng tôi cũng mời chuyên gia của các tổ chức chuyên đánh giá.
Theo ông, để phương án TS riêng của các trường thu hút được thí sinh, ngoài xét hồ sơ thì có cần khẳng định chất lượng của mình không?
Đương nhiên, vấn đề chất lượng trước sau và muôn thuở vẫn là vấn đề hết sức quan trọng. Chỉ có điều, muốn nhận được chất lượng thì sinh viên phải trả giá bằng thời gian học. Đôi khi thời gian học không phải là ngắn. Nên các thông tin của xã hội, của các phương tiện truyền thông về chất lượng, về nguồn lực của trường đó theo tôi là điều cần thiết để hỗ trợ cho người học. Còn để có chất lượng phải có thời gian.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê