Thứ bảy, 26/12/2015, 22h34

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải rà soát lại các cơ sở dạy nghề

Cuối tuần qua, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ,TB&XH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015); phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2016-2020) lĩnh vực lao động, người có công và chính sách xã hội. Qua báo cáo và các ý kiến tại hội nghị cho thấy, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm là vấn đề rất “nóng”…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: I.T

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Theo đó, thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề và Đề án đổi mới & phát triển dạy nghề đến năm 2020, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa, đồng thời chú trọng phát triển trên 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Cả nước hiện có 1.463 cơ sở dạy nghề, trong đó có khoảng 800 cơ sở ngoài công lập, tăng 205 cơ sở so với cuối năm 2010. Các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy nghề được tăng cường, đầu tư theo hướng tập trung, đồng bộ cho các nghề trọng điểm. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và gắn với thị trường lao động.

Trong đó, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được triển khai hiệu quả. Với các lớp dạy nghề ngắn hạn, dưới 3 tháng đã giúp gần 2,4 triệu người nâng cao kiến thức để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn. Đồng thời, nhiều người trong số đó đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như làm công nhân, dịch vụ… Đặc biệt có tới 50 ngàn hộ nghèo có người tham gia học nghề và đã thoát nghèo, trong đó có rất nhiều hộ từ thoát nghèo lên hộ khá.

Báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH cũng nêu rõ: Trong 5 năm qua đã có trên 8,6 triệu người được dạy nghề, tăng hơn 3 lần so với giai đoạn trước, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 51,6%, tăng 11,6% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ sinh viên, học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 70%.

Về công tác giải quyết việc làm, trong năm 2015 cả nước tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tạo việc làm trong nước cho khoảng 1,51 triệu lao động, xuất khẩu lao động 115 ngàn người. Tổng 5 năm từ 2011-2015, cả nước đã tạo việc làm cho trên 7,8 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%. Đồng thời đã góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% (năm 2010) xuống còn 40-41% (năm 2015).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tư lệnh ngành LĐ,TB&XH cũng phải thừa nhận rằng: Chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động có việc làm kém bền vững vẫn chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao; nhiều sinh viên ĐH, CĐ ra trường không có việc làm, không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành LĐ,TB&XH phải rà soát lại các cơ sở đào tạo để công tác dạy nghề có hiệu quả hơn. Việc rà soát này không phân biệt cơ sở đào tạo nghề đó thuộc bộ, ngành, đơn vị nào quản lý. Bởi, “Đi thực tế tại một số cơ sở đào tạo nghề dù cơ sở vật chất không khang trang, rộng rãi nhưng họ dạy rất tốt, học viên ra trường là có việc làm ngay. Ngược lại cũng có những cơ sở cơ ngơi hoành tráng nhưng rất ít người học”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị việc đào tạo nghề phải gắn với thị trường, cơ sở đào tạo nghề phải liên kết với doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chạy theo số lượng mà chỉ mở lớp khi người học thật sự có nhu cầu học để tìm việc làm, chứ không phải học theo phong trào…

Kim Anh