Thứ năm, 22/10/2015, 16h27

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tự chủ đại học là xu thế tất yếu"

Tại Hội nghị toàn quốc về Tổng kết đại học - cao đẳng năm 2015 diễn ra ngày 22-10, vấn đề nóng nhất vẫn là phương thức tuyển sinh, cùng với đó là vấn đề tự chủ đại học, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ).

Bộ GD-ĐT dự định chuyển kỳ thi năm 2016 sang giữa tháng 6

Về vấn đề thi - tuyển sinh, hầu hết các trường ĐH cho rằng, tuy còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục nhưng các trường đều ủng hộ kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với 2 mục đích. Các trường đề nghị giữ nguyên các ưu điểm trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, những gì hạn chế mới thay đổi. Ví dụ cần khắc phục hạn chế về CNTT trong xét tuyển; phải có phối hợp tốt giữa các Sở GD-ĐT và trường ĐH để công tác tổ chức thi, đăng ký xét tuyển tốt hơn. Đề thi cũng phải có sự phân hóa tốt hơn.

Các trường cùng cho rằng, năm 2016 cần đẩy mạnh tuyên truyền để thí sinh đăng ký xét tuyển, thay đổi nguyện vọng đều thông qua trực tuyến sẽ hạn chế được hiện tượng “cuộc chơi chứng khoán” trong tuyển sinh như năm 2015. Các trường cũng kiến nghị, các trường tốp trên cần có điểm sàn vào trường cao hơn để bảo đảm phân tầng xét tuyển. Đáng chú ý, khá nhiều ý kiến đề nghị bỏ thi viết đối với môn ngoại ngữ.

Tuy vậy, các trường vẫn còn khác nhau về dự kiến tổ chức thi. Bộ GD-ĐT dự định chuyển kỳ thi năm 2016 sang giữa tháng 6, một số trường đồng tình, một số trường đề nghị giữ nguyên đầu tháng 7 như hiện nay.

Hội nghị toàn quốc về Tổng kết đại học - cao đẳng năm 2015 ở đầu cầu Hà Nội

Một số trường đề xuất 2016 chỉ có một loại cụm thi thay vì 2 loại cụm thi như năm 2015. Các trường ở khu vực TPHCM cho rằng, hiện nay việc xét tuyển mới chỉ tìm được thí sinh đỗ vào trường ĐH nào đó, rất nguy hiểm cho nhân lực quốc gia về sau, vì vậy cần có giải pháp để bảo đảm thí sinh thi được vào ngành mình thích. Ví dụ các trường cùng nhóm ngành nên liên kết để xét tuyển, khi đó thí sinh không đỗ trường này thì vào trường kia nhưng cùng ngành. Các trường cũng đề nghị nên giao cho trường tự chủ nhiều hơn trong xét tuyển. Cải thiện phần mềm tuyển sinh.

Tuy Bộ GD-ĐT đã bước đầu công bố dự kiến phương án thi - tuyển sinh năm 2016, trong đó có điểm đột phá là dự kiến sau khi có kết quả thi, các trường ĐH-CĐ tự chủ tổ chức tuyển sinh. Bộ GD-ĐT quy định thời gian bắt đầu và thời gian báo cáo kết quả tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Như vậy có nghĩa là thí sinh sẽ được tự do đăng ký thi vào các trường. Tuy nhiên, ý kiến của các trường vẫn chưa rõ ràng là đồng tình hay không. Nhiều trường cho rằng, tuyển sinh là vấn đề quan trọng, cần có hội nghị chuyên đề về tuyển sinh để bàn sâu hơn.

Thí sinh dự kỳ thi THPT năm 2015 tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: MAI HẢI

“Chưa nên ấn định điều gì về phương án thi 2016”

Chỉ đạo tại hội nghị,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, giáo dục ĐH còn rất nhiều việc làm phải. Phải có những cuộc bàn sâu về từng vấn đề của giáo dục ĐH: tự chủ ĐH, phân tầng, thi cử... với sự tham gia của các bộ ngành, đơn vị liên quan. Phó Thủ tướng sẽ dự các cuộc họp đó.

“Vấn đề tuyển sinh, năm nào cũng nóng, cần có một hội nghị riêng. Phương án thi - tuyển sinh năm 2016 chưa nên ấn định điều gì, cần thảo luận hơn. Bộ GD-ĐT chỉ nên bước đầu cam kết năm 2016 tiếp tục có những điều chỉnh để bảo đảm kỳ thi trung thực, nhẹ nhàng, tiết kiệm, không gây áp lực. Phải tách bạch việc thi tốt nghiệp và tuyển sinh, theo tinh thần tuyển sinh là việc tự chủ cho các trường, Bộ GD-ĐT không nên tham gia mà chỉ quy định những gì cần thiết. Nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT là tạo ra sự công bằng cho thí sinh trong kỳ thi”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

"Bộ sẽ không can thiệp các vấn đề chuyên môn của các trường nữa, Bộ sẽ chỉ  làm công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trường".

Về các vấn đề khác, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm ban hành quy hoạch lại hệ thống các trường ĐH-CĐ, khung trình độ quốc gia theo xu hướng quốc tế, vì thế giới thay đổi rất nhanh. Theo Phó Thủ tướng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu, chúng ta phải làm. Qua nhiều lần tranh luận, hiện đã thí điểm được 12 trường, tới đây sẽ phải làm tiếp, làm mạnh, vì đó là quyền lợi của các trường. “Thay vì các trường đề nghị có lộ trình, chúng ta nên cùng bàn để có cơ chế để các trường có thể tự chủ về tài chính, về bộ máy. Từng trường phải có đề án tự chủ, không  nên hiểu tự chủ là Nhà nước sẽ buông. Ví dụ về vấn đề tự chủ tài chính, Nhà nước vẫn cấp kinh phí theo quy định, nhưng các trường được toàn quyền quyết định số kinh phí đó mà không phải xin ý kiến; hoặc trường có thể quyết định độ tuổi của nhân sự...”, Phó Thủ tướng nêu.

Tương tự, vấn đề phân tầng ĐH cũng nhất thiết phải làm theo xu hướng của thế giới. Chúng ta phân tầng, xếp hạng ĐH để biết mình đang đứng ở đâu trên bản đồ giáo dục ĐH thế giới. Chính phủ đã có Nghị định, nhiều trường cũng đã có ý thức để được lọt vào bảng xếp hạng thế giới. “Cần tham gia việc phân tầng, xếp hạng theo chuẩn thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chốt lại, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là đẩy chất lượng giáo dục ĐH lên, làm sao tiến sĩ phải ra tiến sĩ, kỹ sư phải ra kỹ sư, bởi nếu chất lượng nhân lực được bảo đảm thì đất nước sẽ phát triển hơn, việc làm sẽ nhiều hơn. “Lâu nay chúng ta nói thừa thầy thiếu thợ cũng chưa hẳn chính xác. Quan trọng là thầy phải ra thầy, thợ phải ra thợ thì đất nước sẽ phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

PHAN THẢO/ SGGP