Thứ sáu, 13/1/2012, 14h01

Phòng bệnh cho trẻ trong ngày Tết

Cần chú ý chế độ ăn uống của trẻ trong những ngày Tết (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Lê

Trong và sau Tết, trẻ thường mắc phải các chứng bệnh tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất nguy hiểm, đồng thời trẻ còn dễ mắc phải chứng suy dinh dưỡng, béo phì sau Tết mà không phải phụ huynh nào cũng biết.
Những bệnh trẻ thường mắc trong và sau Tết
Thường trong những ngày Tết, nhiều phụ huynh bận rộn với các cuộc thăm viếng, mua sắm, họp mặt ăn uống, đi du lịch… mà phần nào “quên” con trẻ. Trong khi đó, trẻ em lại dễ gặp phải “tai nạn” và những vấn đề về sức khỏe do nếp sinh hoạt ăn uống hàng ngày bị thay đổi. Những ngày này, trẻ mắc bệnh đường hô hấp thường gia tăng, phát sinh do thời tiết lạnh và khô như viêm hô hấp trên hoặc nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh có thể lây truyền nhanh vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Khi bị ốm, trẻ thường quấy khóc, ho, ngạt mũi, hắt hơi... làm bắn nước bọt, đờm dãi ra xung quanh có kèm theo vi khuẩn gây bệnh, trẻ khỏe thở hít phải nên bị lây bệnh. Ngoài ra, trẻ còn bị bệnh sởi do virus Morbilli họ Paramyxo-viridae gây ra, bệnh dễ lây và bùng phát thành dịch. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là 2-6 tuổi. Virus sởi được phát tán và lan truyền ra ngoài theo không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, từ đó lây cho người khác, virus theo những giọt nước bọt li ti lơ lửng trong không khí, người lành hít phải không khí có virus, sau đó xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp và gây bệnh. Diễn tiến của sởi thường là lành tính, phục hồi hoàn toàn sau 7-10 ngày, tuy nhiên, có một số trường hợp tử vong do biến chứng, nhất là bội nhiễm phổi do các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu trùng đặc biệt trên cơ địa suy dinh dưỡng. Thủy đậu cũng là loại bệnh truyền nhiễm, nhưng thường ở thể nhẹ và lành tính, do virus Varicella zoster gây ra, bệnh tiến triển trong khoảng 10-15 ngày và thường tự khỏi. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua đường hô hấp như nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi - họng của người bệnh. Ngoài các bệnh nói ở trên, sau Tết trẻ em đã sẵn béo phì sẽ dễ bị béo phì hơn, hoặc suy dinh dưỡng thì lại sút cân, suy dinh dưỡng nặng hơn.
Đề phòng những bệnh mùa Tết cho trẻ
Để phòng ngừa trẻ tránh mắc bệnh lây qua đường hô hấp, những ngày Tết không nên cho trẻ nhỏ đi chơi xa, đến nơi đông người, cho trẻ mặc đủ ấm, chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch Natriclorid 0,9%. Trong những ngày lễ tết, nề nếp ăn uống của trẻ thường bị phá vỡ, sẽ có hai tình trạng đối ngược xảy ra, một số trẻ do ăn uống không điều độ sẽ bị sút cân; tình trạng thứ hai là ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, và các món ăn giàu béo, giàu đạm thường có trong ngày Tết dẫn đến tăng cân quá mức, thừa cân, béo phì. Do vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để tránh xảy ra các tình trạng trên. Đối với trẻ nhỏ còn trong giai đoạn ăn bột, ăn cháo vẫn phải tuân thủ đúng như các bữa ăn trong ngày thường, không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn sẽ làm trẻ biếng ăn, không ăn được các thức ăn trong bữa chính dẫn đến suy dinh dưỡng. 
Đối với trẻ béo phì hoặc có nguy cơ bị tăng cân, các bậc phụ huynh nên tuân thủ chế độ ăn kiêng dù là ngày Tết, nên thay bánh kẹo bằng quả chín ít ngọt như bưởi, cam, quýt, dưa hấu, không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng như giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà nên thay bằng giò lụa, hoặc chả quế. Nên tăng cường các món ăn từ cá, hạn chế ăn bánh chưng,  nếu ăn thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác. Không nên ăn cơm rang. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như su hào, bắp cải, bí xanh, susu… trong ngày Tết.
Thay nước ngọt bằng sữa tươi không đường hoặc sữa bột đã tách chất béo. Không nên cho trẻ thức quá khuya và ăn thêm bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
BS. CKII Trịnh Hữu Tùng
(Bệnh viện Nhi đồng 2 - TP.HCM)