Thứ ba, 18/10/2016, 20h12

Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Chưa mạnh tay, còn buông lỏng quản lý

Sáng 18-10 tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm. Qua các ý kiến tại hội nghị cho thấy, tình hình buôn lậu thuốc lá không hề thuyên giảm có nguyên nhân không nhỏ là do một số cán bộ nhận hối lộ, bị mua chuộc...

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Buôn lậu thuốc lá ngày càng manh động

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết: Gần đây, hoạt động buôn lậu thuốc lá đang có dấu hiệu nóng trở lại. Theo đó, các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu gần như công khai, thách thức các nỗ lực chống buôn lậu của các cơ quan chức năng vì siêu lợi nhuận. Đặc biệt, thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia được các “nài” xe, nài ghe xuồng vận chuyển vào nội địa nước ta, tập kết tại các huyện giáp ranh như: Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu (Tây Ninh) và Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP.HCM). Từ đây, các đầu nậu thuốc lá phân phối, chia nhỏ để đưa vào trung tâm thành phố. Địa bàn TP.HCM là nơi tiêu thụ nhiều nhất, tập trung tại các chợ đầu mối Học Lạc (Q.5), Trần Quốc Toản (Q.3) và vận chuyển đến các tỉnh thành khác. Thuốc lá lậu được phân nhỏ lẻ gửi, giấu nhiều nơi trong nhà dân khu vực lân cận, còn tại quầy bán thuốc lá chỉ để các loại thuốc lá nội địa và vỏ thuốc lá ngoại. Cần mua bất kỳ loại thuốc lá nào trên thế giới cũng có tại các chợ này, nhưng đa phần chủ hàng chỉ bán cho người quen, hàng mối...

Trên các tuyến đường vận chuyển thuốc lá lậu, chúng bố trí người cảnh giới, canh đường theo dõi các lực lượng chức năng để thông báo cho đội nài xe biết chạy bạt mạng đến các chợ thuốc lậu và các kho chứa trong nội thành. Đoạn đường Nguyễn Văn Bứa qua xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) ngày nào cũng có những đoàn xe nài chạy bạt mạng chở thuốc lá lậu lao về hướng Tham Lương, Cộng Hòa… Nghiêm trọng và đáng ngại hơn là các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu nếu như bị phát hiện, ngăn chặn.

“Điều 6 của Luật Đầu tư có “độ vênh”, thiếu tính nhất quán, đồng bộ của các quy định trong việc phát hiện, xử lý các vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu. Đã dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu gặp khó khăn trong giải quyết… Bên cạnh đó, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và giữa các địa phương chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác bắt giữ, xử lý”, ông Chí bức xúc.

Không để người dân tiếp tay cho buôn lậu

Thượng tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Chỉ quyết tâm chính trị thì không thể làm tốt được. Do đó, cần phải thành lập một ban chỉ đạo mạnh - chuyên ngành như công an, biên phòng là chủ đạo để giải quyết và xử lý vấn đề này”.

Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng, nêu ý kiến: Cần có sự liên kết quốc tế như việc bộ đội biên phòng đang làm trong việc phòng, chống ma túy. Cùng với đó, công tác, phương thức tuyên truyền và trên hết là giải quyết việc làm nâng cao đời sống cho người dân tại các vùng biên...

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị sửa đổi Thông tư 19; có cơ chế chính sách trích một phần từ quỹ phòng chống thuốc lá cho lực lượng phòng chống thuốc lá lậu; các bộ và tòa án bỏ Liên tịch 34, tiếp tục thực hiện QĐ 2371 về tiêu hủy thuốc lá lậu.

Ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Về lợi nhuận của buôn lậu thuốc lá (chênh lệch tới 10.000 đồng/bao), chắc chắn sẽ rất khó khăn trong ngăn chặn. Cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân thấy được tác hại của thuốc lá. Vì nếu giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm, đây mới là biện pháp cơ bản nhất...”.

Đối với hai phương án xử lý thuốc lá lậu (tái xuất hay tiêu hủy), Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu tính khả thi của từng phương án để tìm ra phương án tối ưu nhất. “Nếu tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta “xao nhãng” là số lượng thuốc lá lậu tuồn qua sẽ tăng gấp đôi nhằm bù vào số đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy. Còn nếu tái xuất, về mặt pháp lý có đảm bảo, có vi phạm công ước mà Việt Nam đã ký kết, rồi có vi phạm vào luật pháp của nước thứ 3 khi đồng ý tái xuất mặt hàng này. Do đó, biện pháp hiện tại vẫn là tiêu hủy, còn địa phương nào có đủ điều kiện để tái xuất phải có đề án cụ thể, đặc biệt là giám sát chặt, không để xảy ra tiêu cực”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, phải xây dựng được những xã vùng biên mà nhân dân có việc làm, hiểu biết pháp luật và chính họ là người sẽ lên án, tố giác hành vi buôn lậu. Đó là phải xây dựng nông thôn mới, dạy nghề cho người dân khu vực biên giới, tuyên truyền để họ không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu...

Phó Thủ tướng khẳng định: “Việc buôn bán, vận chuyển vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên vì chính quyền các cấp chưa quyết liệt chỉ đạo, buông lỏng quản lý. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa tốt, không làm thường xuyên kiên quyết, thậm chí có cán bộ còn tiếp tay, nhận hối lộ của các đối tượng buôn lậu”.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải triển khai ngay các công việc. Đặc biệt, không để tình trạng ngay tại cửa khẩu, lực lượng chức năng “giăng đầy” nhưng xe chở hàng lậu vẫn chạy hàng đoàn. “Địa phương nào để xảy ra tình trạng buôn lậu gây nhức nhối, kéo dài người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Quang Huy