Thứ bảy, 4/11/2017, 21h04

Phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân

Trong bối cảnh thời tiết đang trở lạnh, khí hậu mùa đông - xuân là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển ở các địa phương. Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, Bộ Y tế vừa phát đi Công văn số 6507/BYT-DP gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đề nghị các địa phương chủ động phòng chống dịch bệnh.

PGS.TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) lưu ý, các bệnh mùa đông - xuân thường có số ca mắc tăng vào những tháng cuối năm và duy trì ở mức cao vào các tháng đầu năm tiếp theo

Các bệnh mùa đông - xuân cần lưu ý

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thời tiết lạnh, ẩm của mùa đông - xuân là khoảng thời gian rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng. Do đó, người dân ở các miền Nam, Trung, Bắc đều nên đặc biệt lưu ý đến các bệnh mang tính chất “đến hẹn lại lên”. Đó là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), A(H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota…

PGS.TS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) cho biết, với khí hậu nhiệt đới, khu vực phía Nam là nơi xuất hiện các bệnh truyền nhiễm quanh năm. Tuy nhiên, khí hậu mùa đông - xuân với nhiệt độ, độ ẩm không khí thấp là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển và gây bệnh cho người, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa như sởi, rubella, viêm màng não mô cầu, cúm, tiêu chảy do Rota vi rút, tay chân miệng… Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, các bệnh trên thường có số ca mắc bắt đầu tăng hơn vào các tháng cuối năm và duy trì ở mức cao vào các tháng đầu năm tiếp theo. Chưa kể thời gian cuối năm cũng là lúc mọi người thường tập trung đông ở những lễ hội, mật độ đi lại giữa các vùng tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát tán và lây lan.

Riêng đối với khí hậu miền Bắc, PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) lưu ý, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thời tiết mùa đông - xuân lạnh hơn so với miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên, ông cho rằng các khu vực có hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt lại đối diện với nguy cơ mắc các dịch bệnh do muỗi truyền. Cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa, di dân tự do, cộng với tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn hán xâm ngập mặn diễn ra trên diện rộng khiến người dân tăng cường tích trữ nước sạch, nước mưa trong lu, chum, vại hoặc bồn chứa. Do đó, khi nhiệt độ xuống quá thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh, nhất là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, zika phát triển, nên vẫn có nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc bệnh do muỗi truyền vào mùa đông - xuân ở các khu vực này.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật ở các địa phương. 

Theo đó, các tỉnh thành cần triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào nước ta như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Đối với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. 

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế giao cho Sở Y tế nhiệm vụ tập trung tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Đồng thời chú trọng triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại địa phương.

Riêng đối với ngành giáo dục, Bộ Y tế đề nghị Sở GD-ĐT triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đủ nước uống, nước sạch, thường xuyên làm vệ sinh môi trường tại trường học; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên. Trong trường hợp phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.

Bài, ảnh: Đinh Vũ