Thứ hai, 24/3/2014, 09h03

Phòng chống dịch bệnh tại trường học: Tự thân vận động

Những ngày qua, thời tiết TPHCM nắng nóng đã khiến số lượng trẻ em nhập viện tăng đột biến. Ngoài các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, tay - chân - miệng, ghi nhận tại các trường học cho thấy vừa phát hiện 2 ổ dịch thủy đậu tại Trường Tiểu học Hàm Tử (quận 5) và Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3).

Song trước tình hình dịch bệnh tăng cao và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, các trường lại đang loay hoay với bài toán thiếu nhân sự và kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học.

Giữ gìn vệ sinh là một trong những yêu cầu của chương trình chăm sóc sức khỏe học đường.

Lỗ hổng kinh phí

Thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong 4 tuần qua, dịch bệnh tay - chân - miệng có xu hướng gia tăng từng ngày và mỗi tuần tăng trung bình 20 trường hợp, đa số là trẻ em dưới 3 tuổi. So với các năm trước, dịch bệnh xuất hiện sớm hơn, nếu không khống chế kịp thời, các ca bệnh sẽ tiến triển thành “chùm bệnh” ở các trường học rất khó kiểm soát. Cùng thời điểm, các trường mầm non trên địa bàn TPHCM đang bước vào cao điểm phòng chống dịch sởi.

Ông Nguyễn Tài Dũng, bác sĩ chuyên khoa II, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, những ngày qua giáo viên ở tất cả trường mầm non phải gọi điện cho từng phụ huynh hỏi về lịch chích ngừa sởi của học sinh. “Công việc nói ra đơn giản nhưng thử nghĩ một cô giáo phải gọi điện cho mấy chục phụ huynh, nhắc nhở từng gia đình đưa con em đi chích ngừa sởi, rồi tổng hợp, báo cáo cho ban giám hiệu. Khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Trong khi đó, các trường hiện nay không có nguồn kinh phí nào cho công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng bày tỏ. Đó là chưa kể mỗi khi phát hiện có ổ dịch, phòng GD-ĐT phải cử người xuống nắm tình hình thực tế, thậm chí là ăn, ngủ và trực đêm ngay tại trường nhưng không có chi phí nào bồi dưỡng cho cán bộ trực chốt.

Quy định hiện nay của ngành y tế là các trường phải thường xuyên thực hiện công tác phun xịt thuốc khử khuẩn trường học, nhất là đối với bậc mầm non. Song hiệu trưởng một trường mầm non trên địa bàn quận 3 cho biết: “Các khoản chi theo quy định hiện nay của ngành giáo dục không có khoản nào dành cho việc mua các loại hóa chất diệt khuẩn. Thu tiền của phụ huynh thì không được nên chủ yếu chúng tôi phải đi xin tài trợ từ các công ty hoặc tổ chức phi chính phủ”.

Lý giải điều này, một cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ trước đến nay TP chỉ có kinh phí phòng chống dịch bệnh cho các trung tâm y tế chứ chưa có chi phí cho trường học. Do đó, chỉ khi trường học phát hiện có ổ dịch mới được cấp thuốc diệt khuẩn. Còn các loại hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn theo định kỳ vệ sinh hàng tháng, mỗi trường phải tự thân vận động. Vị này nêu dẫn chứng: “Tiền kết dư cho công tác phòng chống dịch bệnh của năm 2013 có hơn 12 tỷ đồng nên vấn đề không phải do chúng ta thiếu tiền mà do cơ chế phân bổ nguồn ngân sách”.

Nâng cao ý thức phụ huynh

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dịch bệnh tại trường học hiện nay đang có nguy cơ bùng phát một phần do ý thức của phụ huynh. Ông Dũng bày tỏ: “Nhiều trường hợp trẻ có dấu hiệu bệnh nhưng phụ huynh vẫn cho con đến lớp, thậm chí cố tình che giấu bệnh, không khai báo thành thật khi giáo viên đặt nghi vấn. Điều này vô hình trung đã tạo nên những nguồn bệnh cực kỳ nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh trong nhà trường”.

Thêm vào đó, nhiều lớp học hiện nay có sĩ số quá cao nên khó kiểm soát, cộng thêm thái độ thiếu kiên quyết của giáo viên, bảo mẫu khi nghi ngờ học sinh có dấu hiệu bệnh, không yêu cầu các em ở nhà điều trị. Vài trường hợp học sinh trở lại trường sau vài ngày nghỉ học nhưng giáo viên chủ nhiệm không tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng, khiến dịch bệnh vẫn có cơ hội lây lan. Đơn cử 2 trường hợp ổ dịch thủy đậu vừa qua tại Trường Tiểu học Hàm Tử (quận 5) và Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), hơn 20 học sinh mắc bệnh đều được xác định là trong cùng một lớp học.

Ngoài ra, công tác khám sức khỏe tổng quát cho học sinh hiện nay cũng đang gặp khó do ở một số quận, huyện, trung tâm y tế dự phòng không đủ nhân lực nên giao phó luôn việc khám sức khỏe học sinh cho các trạm y tế. Trong khi đó, trạm y tế lại thiếu bác sĩ có chuyên môn, khiến kết quả chẩn đoán sức khỏe học sinh chưa đạt chất lượng như mong muốn. Góc truyền thông về sức khỏe y tế tại trường học cũng chưa được quan tâm đúng mức khiến nội dung còn nghèo nàn, chưa có tác dụng nhắc nhở phụ huynh.

Trước tình hình đó, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, kiến nghị TP cần có một chương trình phòng chống dịch bệnh trong trường học trên quy mô lớn, trong đó xác định cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan, cũng như đề ra cơ chế phân bổ kinh phí rõ ràng cho hoạt động của từng đơn vị. “Phải làm sao trong dự trù kinh phí phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế có một phần kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho các trường học, hoặc chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP cho phép ngành giáo dục có một khoản thu thêm từ phụ huynh phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại trường học”, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng đề nghị.

* Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM

Do quy định không được thu tiền của phụ huynh nên vừa qua, gần 20 phòng nha học đường tại các trường học trên địa bàn quận Gò Vấp phải đồng loạt đóng cửa do không có kinh phí hoạt động, vừa tạo sự lãng phí về cơ sở vật chất vừa để hổng công tác chăm sóc răng miệng cho học sinh

THU TÂM (SGGP)