Chủ nhật, 8/11/2015, 10h08

“Phụ nữ dân tộc Thái có mũ bảo hiểm riêng rồi”

MBH được thiết kế có chỏm cao cho phụ nữ Tây Bắc (ảnh do bà Lò Mai Cương cung cấp)

Lời reo vui đó được thốt ra từ miệng của người phụ nữ đã có sáng kiến phác thảo nên chiếc mũ bảo hiểm (MBH) dành cho phụ nữ dân tộc Thái có búi tóc cao (tằng cẩu). Tằng cẩu là nét văn hóa riêng của người phụ nữ dân tộc Thái, nên hạ tằng cẩu với họ là điều không thể.

Do đó, chiếc MBH dành riêng mới được ra mắt vào Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào sáng 31-10 vừa qua với họ là một ngày vui lớn và khó quên.

Sáng kiến của người phụ nữ dân tộc Thái

Người phụ nữ ấy là bà Lò Mai Cương - thạc sĩ vật lý, Trưởng phòng Bồi dưỡng Trung tâm GDTX tỉnh Sơn La. Trong vai trò là người tuyên truyền về ATGT, vừa khuyến khích chị em giữ gìn bản sắc dân tộc với nét đẹp của búi tóc cao, do đó bà Cương đã nghĩ ra ý tưởng về một chiếc MBH phù hợp cho phụ nữ dân tộc mình từ năm 2007, khi ấy bà còn là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La.

Theo bà Cương, trước đó nữ giới của dân tộc này đội MBH nhưng do búi tóc cao nên MBH hay bị lệch, tròng trành, không che được đầu, rất khó chịu và cũng không đẹp, nhưng vẫn phải đội để đối phó với CSGT. Từ đó, bà đã nghĩ đến một chiếc MBH với thiết kế phù hợp để vừa đảm bảo ATGT và vừa giữ được bản sắc dân tộc. Nghĩ vậy nên người phụ nữ này đã cùng với một số giáo viên ở trường vẽ nên một chiếc MBH mới, rồi gửi bản vẽ cho nhà chức trách và một số nhà sản xuất mà họ tìm được địa chỉ trên internet.

Trong gần 8 năm chờ đợi, những người phụ nữ dân tộc Thái đã nghĩ ra cách ứng phó là chọn mua những chiếc MBH có lòng sâu, rồi dùng dao khoét lỗ tròn ở phần mút xốp (khoảng 5cm) để có chỗ cho búi tóc, đội vào đỡ tròng trành. Và đến hôm nay, từ sự quan tâm của Ủy ban ATGT quốc gia và nhà sản xuất, những chiếc MBH đặc biệt dành riêng cho những người phụ nữ Tây Bắc đã được nhà sản xuất hoàn thành, đồng nghĩa với những mơ ước của phụ nữ Thái đã được thực hiện.

Sẽ sản xuất đại trà sau 2 tháng sử dụng thử

Đó là khẳng định của Ủy ban ATGT quốc gia và nhà sản xuất tại Ngày hội ATGT vừa qua sau khi phát cho phụ nữ ở 6 tỉnh Tây Bắc gồm Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai 30 chiếc MBH để sử dụng thử nghiệm trong 2 tháng. Theo đó, Ủy ban ATGT quốc gia cũng giao cho ban ATGT các tỉnh trên lấy ý kiến đóng góp của những phụ nữ này để có những đánh giá khách quan nhằm chỉnh sửa MBH mẫu cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của họ, và sau đó sẽ cho sản xuất đại trà.

Để có thể thiết kế được loại MBH đặc biệt này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật HI cho biết ông đã cùng nhân viên đi vào các bản của huyện Mường Khương và Bát Xát (Lào Cai), Lai Châu để đo búi tóc của phụ nữ dân tộc nơi đây và sau nhiều lần thử nghiệm, công ty đã thiết kế và sản xuất thí điểm mẫu mũ mới này.

Từ năm 2010 đến năm 2015, khu vực Tây Bắc đã xảy ra 10.122 vụ TNGT, làm chết 4.968 người, bị thương 10.906 người. So với cả nước, vùng Tây Bắc chiếm 5,1% về số vụ; 8,6% về số người chết; 5,3% số người bị thương.

Ông Dũng cho biết, loại mũ MBH mới này có tính an toàn cao, chịu được lực va đập cao, vỏ mũ được làm bằng nhựa nguyên chất nhập khẩu của Hàn Quốc; mũ có kết cấu che được 3/4 đầu, có kính chắn gió, chắn côn trùng, hấp thụ xung động theo đúng quy chuẩn Việt Nam, phần chóp nhọn có chiều cao 8-9cm có thể ôm trọn búi tóc. Tuy công ty đã phải tốn rất nhiều chi phí để thiết kế, nhưng mức giá tối đa cho một chiếc mũ cũng chỉ khoảng 350.000 đồng. Trong thời gian sắp tới, công ty sẽ có dịp trao tặng MBH cho đồng bào dân tộc nghèo.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, loại mũ này được nhiều chị em nhận xét có hình thức đẹp, thích hợp với nhiều loại búi tóc, không nặng hơn so với MBH thông thường vì phần che búi tóc được làm bằng nhựa mỏng. Ông cũng khẳng định: “Vì mũ được sản xuất với số lượng ít nên Ủy ban ATGT quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp để giảm giá thành sản phẩm, vì mục tiêu MBH đến được số đông phụ nữ dân tộc”.

Bích Vân

Mong ngày MBH được sản xuất đại trà

Sau một tuần sử dụng thử, bà Lò Mai Cương cho biết chiếc MBH đối với bà hơi chật so với vòng đầu, phần chỏm hơi nhỏ so với búi tóc. Theo bà Cương, MBH cần được làm rộng hơn, chỏm ngắn hơn và rộng hơn, màu sắc nhã nhặn hơn. Bà Cương bày tỏ: “Chúng tôi rất cám ơn sự quan tâm của Ủy ban ATGT quốc gia và nhà sản xuất đã cho ra đời loại MBH đặc biệt này và tôi cũng đang mong chờ đến ngày MBH được sản xuất đại trà, để tất cả phụ nữ Thái đều có chiếc MBH an toàn, bền đẹp, giúp chúng tôi lưu thông an toàn mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình”.