Thứ tư, 26/10/2011, 06h10

“Phủ sóng” yếu

Tại Hội nghị triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 vừa qua do Bộ GD-ĐT tổ chức, lý giải về những bất cập trong công tác triển khai đề án, hầu hết các trường đều đưa ra những hạn chế về trình độ giáo viên, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Muốn cải tiến không thể trong một sớm một chiều.
Song, ý kiến phát biểu của đại diện Trường ĐH Đồng Tháp khiến những người tham dự hội nghị hôm đó phải suy ngẫm. “Chúng tôi là một trong 8 trường ĐH trên cả nước được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài Sở GD-ĐT Đồng Tháp - đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh nhà, nhà trường vẫn chưa liên hệ được với các tỉnh còn lại. Do đó, mọi hoạt động rà soát, kiểm tra năng lực và bồi dưỡng trình độ giáo viên đều chưa thể thực hiện”.
Như vậy, mặc dù đề án đã được phê duyệt từ tháng 9-2008, nếu như ở một số tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng thì ở nhiều nơi khác, đề án vẫn còn… ngoài vùng phủ sóng. Vì vậy, trong tương lai sẽ không tránh khỏi tình trạng nơi đã về đích, nơi mới ở bước khởi đầu, khoảng cách chênh lệch về hiệu quả đào tạo càng nới rộng giữa các địa phương.
Nguyên nhân được một chuyên viên Sở GD-ĐT Đồng Tháp giải thích là do hiện nay, mọi văn bản triển khai thực hiện đều được Bộ GD-ĐT gửi e-mail đến các đơn vị. Trong khi đó, việc coi e-mail thì không ai… bắt buộc, nên việc địa phương này nhận được chỉ đạo, địa phương kia còn chờ là chuyện… “thường ngày ở huyện”.
Trước đó, khi triển khai áp dụng tài liệu hướng dẫn giảm tải chương trình các cấp từ tiểu học, THCS đến THPT, cơ quan chủ quản ngành giáo dục cũng bị phàn nàn bởi điệp khúc “một không, hai có”: có nghe, có biết song… không thấy. Mặc dù năm học mới đã bắt đầu từ giữa tháng 8 nhưng mãi đến đầu tháng 9, các trường mới được “nghe nói” về tài liệu hướng dẫn giảm tải và phải hơn một tuần sau đó, tài liệu mới được in ra phát tận tay giáo viên.
Theo một giáo viên dạy môn Sinh: “Hướng dẫn giảm tải môn Sinh học ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12 đều có phần cắt giảm từ bài 1, tức là ngay tuần học đầu tiên nhưng phải chờ đến tuần lễ thứ 3 chúng tôi mới chính thức nhận được hướng dẫn giảm tải. Như vậy làm sao giáo viên kịp soạn giáo án và thay đổi bài giảng theo đúng yêu cầu của bộ?”.
Từ chủ trương đến cụ thể hóa chủ trương bằng việc soạn thảo rồi ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện là một bước chuẩn bị khá dài, nhưng nếu việc triển khai thực hiện các văn bản thiếu đồng bộ như hiện nay thì hiệu quả sẽ không có nếu không muốn nói đến những hậu quả đáng tiếc.

Theo THU TÂM
(SGGP)