Thứ hai, 26/3/2012, 17h03

Phương pháp dạy bài tam giác đồng dạng

Nếu chỉ dạy lý thuyết thì HS khó khắc sâu kiến thức, vì thế GV phải tổ chức cho HS thực hành đo đạc (trong ảnh là một tiết học toán tại Trường THCS-THPT Đào Duy Anh). Ảnh: N.L

Trong toán học, lý thuyết không chỉ cung cấp cho học sinh (HS) về tri thức khoa học tự nhiên mà những tri thức đó còn là “lối mở” giúp người học có thêm kỹ năng thực hành.
Không bỏ qua phần bổ sung, lưu ý
Để HS nắm vững kiến thức cơ bản của tam giác đồng dạng, giáo viên (GV) phải giới thiệu một số ký hiệu của toán học như: K là tỷ số đồng dạng (phần Điều kiện đồng dạng), dấu (-) là ký hiệu đồng dạng của hai tam giác (phần Tính chất đồng dạng), c.c.c (đồng dạng cạnh cạnh cạnh), c.g.c (cạnh góc cạnh), g.g (góc góc) - (phần Các trường hợp đồng dạng). Phần Bổ sung thường không quan trọng nhưng GV không nên bỏ qua vì đây chính là những kiến thức giúp HS hiểu sâu và rộng hơn vấn đề. Ví dụ, hai tam giác đều luôn đồng dạng nhưng đối với tam giác cân thì trường hợp nào mới đủ điều kiện đồng dạng với nhau? Nếu hai tam giác đồng dạng thì cho thêm hệ quả gì? Riêng trường hợp đồng dạng của tam giác vuông thì có bài học riêng, GV đi sâu hơn.
Phần kiến thức cơ bản của Hai tam giác vuông đồng dạng chủ yếu GV nhấn mạnh các điều kiện và hệ quả đồng dạng nhằm giúp HS vận dụng tốt vào bài tập thực hành. Dạy phần Các dạng bài tập, GV hướng dẫn các em dựng tam giác thông qua bài tập vẽ tam giác đồng dạng với một tam giác cho trước theo tỷ số đồng dạng cho trước, dựa vào định nghĩa, tính chất của tam giác đồng dạng. Trong bài tập Chứng minh hai tam giác đồng dạng, HS tùy theo từng đề bài mà lựa chọn trường hợp đồng dạng của hai tam giác (chẳng hạn độ dài các cạnh, quan hệ giữa các góc…). Qua phần Chứng minh hai góc bằng nhau, các cặp đoạn thẳng tỷ lệ, chứng minh hệ thức bậc 2 hoặc tính độ dài cạnh của tam giác dựa vào tam giác đồng dạng, GV giới thiệu tuần tự các bước cho HS nắm vững. Nhớ lưu ý các em nên dùng phương pháp phân tích đi lên để tìm ra hai tam giác cần chứng minh hệ thức. Khi sắp xếp hai tam giác đồng dạng thì phải theo các đỉnh tương ứng để có thể lập ra được tỉ số thích hợp.
Biết gắn liền với thực tiễn
Dù dạy bằng phương pháp và đi theo con đường nào, GV phải giúp HS nắm vững khái niệm về hai tam giác đồng dạng, đặc biệt hiểu và nhớ các trường hợp đồng dạng của hai tam giác (gồm tam giác thường và vuông). Sử dụng đúng các dấu hiệu đồng dạng giúp người học giải các bài toán hình học về tìm độ dài đoạn thẳng, chứng minh, xác lập hệ thức toán học thông dụng… Từ nguyên lý: Nếu hai tam giác đồng dạng thì suy ra được các cặp góc tương ứng bằng nhau, các cặp tương ứng tỷ lệ, tỷ số diện tích của chúng bằng bình phương tỷ số đồng dạng. Từ bài học về lý thuyết tam giác đồng dạng HS có thể tính được diện tích của một số hình, có thể chứng minh được một số quan hệ hình học khác (các  hệ thức và tìm giá trị các biểu thức hình học bậc 2). Ngoài ra, phương pháp tam giác đồng dạng còn có một vài ứng dụng khác như dùng để chứng minh ba điểm thẳng hàng, chứng minh tích của hai đoạn thẳng hoặc tổng các tích của các cặp đoạn thẳng bằng một số cho trước, dùng tam giác đồng dạng để giải bài toán dựng hình. 
Nếu chỉ học lý thuyết thì kiến thức khó khắc sâu, vì thế GV nên tổ chức cho HS được thực hành đo đạc, tính các độ cao, các khoảng cách trong thực tế gần gũi với các em như đo cột cờ, đo chiều dài dòng sông… Từ đó các em sẽ thấy lợi ích của môn toán trong đời sống thực tế - toán học không chỉ rèn luyện tư duy mà còn là môn học gắn liền với thực tiễn, phát sinh trong quá trình hoạt động thực tiễn và quay trở lại phục vụ lợi ích con người.
Trần Anh Thư 
(GV Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.Thủ Đức)