Thứ ba, 20/10/2015, 15h16

Phượt Hà Giang - trải nghiệm đáng sợ nhưng phấn khích nhất trong đời

Chắc chắn tôi sẽ còn quay lại Hà Giang thêm vài lần nữa để tìm lại cảm giác tuyệt vời mà e rằng cả cuộc đời còn lại chưa chắc tôi có điều kiện chiêm ngưỡng hết...

Sau 7 tiếng ngủ trên xe từ Hà Nội, tôi đến Hà Giang vào khoảng 4h30 sáng. Buổi sớm ở vùng cao khá vắng vẻ và mát mẻ, không khí yên bình, nhẹ nhàng trong màn sương.

Sau khi tự vận động để bản thân tỉnh táo, tôi tiếp nhận xe máy đã thuê từ trước để bắt đầu cuộc hành trình cùng một người có cùng niềm đam mê du lịch.

Điểm tâm sáng ở Hà Giang không nhiều, tôi chỉ thấy vỏn vẻn 3 món chính đó là phở (phở gà, lòng gà, bò… hương vị khác phở Hà Nội và miền Nam), bánh cuốn ăn với nước lèo và xôi mặn. 

phuot-ha-giang-trai-nghiem-dang-so-nhung-phan-khich-nhat-trong-doi

Đường lên cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh:  Nguyễn Trung Quân

Khoảng 7h, tôi bắt đầu chạy theo cung đường mang tên Hạnh Phúc – tuyến đường chính dài xuyên suốt cuộc hành trình từ thành phố Hà Giang đến Đồng Văn. Sở dĩ mang tên Hạnh Phúc vì nó được xây dựng bởi mồ hôi, nước mắt và ước mơ hạnh phúc của hàng vạn người dân nơi đây.

Phương tiện đi lại hiếm hoi, núi non trùng điệp và hiểm trở, nhân công thì ít ỏi… đủ để thấy việc làm nên cung đường này là hết sức gian nan và khó nhọc. Do đó, Hạnh Phúc như là tiếng gọi thân thương của người dân thay cho lời tri ân gửi đến những con người đã khó nhọc tạo ra nó.

Khoảng cách từ Hà Giang đến Đồng Văn khoảng 150 km, trong đó có đến 95% là đường đèo núi, bề ngang trung bình chỉ vừa hai chiếc xe hơi cỡ nhỏ, phải nép mình mới có thể qua được. Khung cảnh một bên là suối, thác, vực hoặc thung lũng, còn một bên là núi đá cao ngất trời. 

Chúng tôi chạy khoảng 5 km thì trời bắt đầu mưa, lần đầu tiên đi trên cung đường này, tôi chưa biết thực sự nó sẽ khó khăn thế nào. Mưa kéo dài suốt 40 km khiến chúng tôi hơi buồn, một phần vì không thể ngắm cảnh, chụp hình, một phần lo ngại vấn đề an toàn của cuộc hành trình khi chạy trên cung đường mới với chiếc xe lạ lẫm, chở đầy hành lý cồng kềnh. 

Sau 2 tiếng, tôi cũng đến được Cổng trời Quản Bạ (thuộc huyện Quản Bạ) và may mắn là trời cũng đã hết mưa. Niềm vui sướng khi đứng trên cổng trời chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng phía dưới với những đoạn đường uốn lượn quanh núi đồi.

Xung quanh phía xa xa là những dãy núi trùng điệp, nhấp nhô cùng những đám mây bay là là ngay đỉnh núi. Đó là cảm giác tuyệt vời mà tôi sẽ khó có thể quên trong chuyến hành trình này. 

Cơn mưa tạnh, bầu trời cũng trong xanh và sáng hẳn ra khiến khung cảnh càng trở nên hùng vĩ, xanh mát hơn. Ngay trên cổng trời, hướng mắt về phía dưới của thung lũng là núi đôi Quản Bạ cùng với một thị trấn nhỏ ngay giữa những ruộng lúa vàng ươm đang trổ bông. 

Ngồi nhấp từng ngụm chè nóng, khá đắng giữa cảnh thiên nhiên tuyệt vời này, ai cũng thấy ấm lòng sau cơn mưa lạnh buốt của vùng cao. 

Khoảng 11h, chúng tôi tiếp tục đến với huyện Yên Minh (cách Quản Bạ 55 km trên cung đường Hạnh Phúc). Những đoạn đèo dốc ngày càng cao, khung cảnh núi rừng mỗi nơi mỗi khác nhưng vẫn nhấp nhô trùng điệp. 

Trên hành trình đến Yên Minh, có một đoạn đường đẹp khó tả, chúng tôi phải leo dốc rất cao theo hướng zig zag rồi bằng phẳng khi chạy qua một khe núi lớn và dài. Giữa khe núi ấy là con đường Hạnh Phúc và một con sông vàng chảy xiết nằm bên trái. Ánh nắng dường như không có vì cung đường này luôn được các dãy núi cao bao quanh. 

Chúng tôi phải đi qua đoạn đường đèo quanh co liên tiếp, có những đoạn vừa cong như khuỷu tay, lại vừa lên cao khá nguy hiểm nhưng trải nghiệm thì rất thú vị. Đến Yên Minh cũng gần 2h trưa, vì thế hai chị em tôi quyết định ăn trưa ngay trên xe. 

Từ Yên Minh tiếp tục chạy theo con đường Hạnh Phúc, tôi tiến dần đến huyện Đồng Văn, ngang qua cao nguyên đá Đồng Văn. Công viên địa chất toàn cầu dần dần xuất hiện mỗi khi qua một đoạn dốc hay khe núi. 

Phía trên cao là cảnh tượng hùng vĩ, xung quanh chúng tôi có cả hàng chục, hàng trăm dãy núi màu đen tím – màu của đá dưới ánh sáng mặt trời, cao sừng sững nhấp nhô bao bọc con đường uốn lượn nằm ngang núi mà tôi đang đứng. 

Hướng tầm mắt xuống thấp hơn là những thung lũng đá và đôi lúc có hang động sâu khiến nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh. Không khí càng lên cao càng lạnh nhưng không làm chúng tôi cảm thấy lẻ loi, mà đổi lại là sự hào hứng khi thỉnh thoảng vẫn gặp một số đoàn xe đi phượt chạy ngang qua, hoặc một vài người dân tộc chở hàng chạy theo chiều ngược lại. 

Cách Yên Minh khoảng 30km là dinh Vua Mèo (dinh thự của Vua Mèo Vương Chính Đức tại Sà Phìn) - điểm tham quan mà bất cứ ai khi đến nơi đây cũng phải ghé qua. 

Lúc này khoảng 4h chiều, trời cũng tắt nắng, sương càng nhiều và lạnh. Chúng tôi lặng yên nghe người hướng dẫn nói qua những điểm đặc sắc của dinh thự, chụp một vài bức hình rồi tiếp tục di chuyển về trung tâm của huyện Đồng Văn cách đó khoảng 30 km nữa. 

Vừa qua con dốc cao, trung tâm Đồng Văn hiện ra trước mắt, khi ấy cũng đã 5h chiều. Chúng tôi nhận phòng tại khách sạn nằm ngay chợ huyện, vệ sinh cá nhân, và ăn tối lúc 7h30. Thời tiết ở đây khá lạnh nhưng không đến mức rét. 

Tại đây, có rất nhiều món ăn đặc trưng của vùng cao như gà đen, gà nòi, bò, dê, heo mọi… ăn kèm với các loại rau rừng mà đặc biệt là rau tam giác mạch, có vị chua chua chát chát, tuy lạ nhưng rất thơm ngon. Ngoài các quán ăn, còn có một số quán cà phê trong phố cổ.

Kido/ VNE