Thứ tư, 2/9/2015, 16h17

Phượt - không phải cứ đi là sẽ đến!

Từ phải qua trái: Nguyễn Hoàng Nguyên, Ngô Trần Hải An và Trần Đặng Đăng Khoa trong một buổi chia sẻ với các bạn trẻ về du lịch bụi được tổ chức vào tháng 8-2015

Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin và mạng xã hội, “Phượt - hay du lịch bụi” - đang trở thành một trào lưu thu hút nhiều bạn trẻ cùng xách ba lô lên và đi như một cách thể hiện bản lĩnh của mình.

Có lẽ, ngay cả facebook, google hay bất cứ phương tiện thông tin nào khác cũng không có một thống kê chính thức nào về số hội nhóm “phượt” được hình thành trong những năm gần đây. Có rất nhiều lý do để các bạn trẻ đi phượt, nhưng đa phần họ đi để thỏa mãn những đam mê được khám phá, những khát khao được thay đổi bản thân sau hành trình rong ruổi. Thay vì ngồi thu lu một góc gặm nhấm nỗi buồn, thay vì quẩn quanh với những việc làm tự mình cho là nhàm chán, phượt cũng được coi là cách để các bạn trẻ thay đổi cảm xúc trong một khoảng thời gian nhất định.

Đi để không phí hoài tuổi trẻ

Khác với du lịch theo kiểu nghỉ dưỡng tại các khu du lịch, khách sạn đắt tiền, những chuyến phượt sẽ đem đến cho người đi nhiều trải nghiệm mới mẻ, học hỏi được nhiều kỹ năng để tồn tại và sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt. Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ từng đi thành công cung đường xuyên Đông Nam Á với kinh phí chỉ 17 triệu VND/người nhìn nhận: Những tình huống éo le xảy ra trong quá trình phượt sẽ để lại những bài học quý giá. Khoa và nhóm bạn từng bị lạc trong một cánh rừng trên đất Lào, giữa lúc trời sắp tối, xe hết xăng và không còn thứ gì có thể ăn được. Nhóm đành đánh liều vào bản, dùng thứ ngôn ngữ sơ khai nhất của loài người là dùng… rượu để đổi lấy đồ ăn. Và không những đổi được đồ ăn, nhóm còn được dân bản cho ngủ lại, sáng hôm sau lấy xe công nông chở ra khỏi rừng. Ngô Trần Hải An (trưởng nhóm 3ackpackers) hay còn được biết đến với biệt danh Quỷ Cốc Tử cũng từng rơi vào tình huống tương tự trong lần phượt lên Mường Tè, Lai Châu. “Khi đó, xe mình hết xăng, phải đẩy bộ một chặng đường rất xa mà không hề có cây xăng nào. Một anh người Mông đi qua, dùng cử chỉ hỏi có cần giúp đỡ không. Vốn không hiểu điều anh muốn nói cộng thêm tâm lý e ngại, mình đã lắc đầu từ chối. Phải đến lần thứ 3 ra hiệu, mình mới dừng xe lại và anh này đã lấy ống hút lấy xăng từ xe của anh qua xe mình. Đến lúc xe chạy được, mình chưa kịp nói lời cảm ơn thì anh đã phóng xe chạy mất. Đôi khi, sự áp đặt suy nghĩ của người thành thị bỗng trở nên thừa thãi và vô nghĩa trong những tình huống bất ngờ trên hành trình phượt. Đến một ngôi nhà không hề quen biết, người ta sẵn sàng làm thịt gà, thậm chí nhường chỗ ngủ tốt nhất cho người khách lỡ đường. Chính những chuyến đi sẽ cho chúng ta những trải nghiệm không tưởng, những bài học thật giá trị về cuộc sống”, Hải An chia sẻ.

Với những phượt thủ, đi để trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới là một cách để không phí hoài tuổi trẻ. “Mục tiêu mà các phượt thủ chuyên nghiệp luôn hướng tới là được đặt chân đến những vùng đất không được nhiều người biết đến. Chỉ khi đi, người ta mới thực sự hiểu được câu nói “cuộc đời là những chuyến đi”, để thấy cuộc đời rộng lớn hơn, tâm hồn cởi mở hơn, sống phóng khoáng hơn so với trước đó”, Hải An đánh giá.

Đừng đi chỉ để đi

Đi là tốt, nhưng không phải chuyến đi nào cũng mang lại kết quả như người ta mong muốn. Và cái giá phải trả cho một cuộc chơi đôi khi lại rất nghiệt ngã, hầu như không năm nào lại không có những mảnh đời còn rất trẻ bỏ lại trên những cung đường. Một phượt thủ từng thống kê có tới 15 vụ tai nạn đau lòng trong vòng 5 năm qua khiến người thì mất tích, người bỏ mạng, người phải giành giật sự sống từng ngày. Khi mà phong trào du lịch bụi đang nở rộ và biến tướng một cách khó kiểm soát như hiện nay thì việc các bạn trẻ đi mà không được trang bị những kiến thức đi đường sơ đẳng đang ít được quan tâm dẫn đến những bài học rất đắt giá phải đánh đổi bằng sinh mạng của những người có máu phiêu du.

Một cách xin đi nhờ xe của những người đi du lịch bụi

Nguyễn Hoàng Nguyên (Rosie Nguyễn), cô gái đang được nhiều bạn trẻ biết đến khi du lịch bụi qua 20 quốc gia nhận định: Bây giờ, người ta du lịch không phải để cho mình mà đã biến nó thành cuộc đua với những người khác. Thấy người khác đi thì cũng nghĩ mình đi được mà không hề lường trước vô vàn những hiểm nguy sẽ rình rập trên suốt hành trình. Và không phải chuyến đi nào cũng mang lại kết quả như người ta mong muốn. “Người trẻ luôn muốn khám phá, muốn chinh phục, muốn đi. Điều đó tốt thôi, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều. Nó chẳng phải là cái gì quá ghê gớm. Sẽ là hoang tưởng nếu cho rằng cuộc đời ta sẽ thay đổi sau một chuyến đi Thái 4 ngày 3 đêm; hay ta sẽ trở nên tốt hơn trông thấy sau vài cuộc hành trình; hoặc hoàn thiện bản thân xuất sắc từ các chuyến đi… Có một thực tế mà ít người trẻ để tâm là: Không phải ai đi rồi cũng có tầm nhìn rộng mở, không phải ai đi nhiều cũng tốt, cũng hay. Cái gì cũng vậy, nếu cứ đâm đầu mù quáng lao theo các trào lưu thì sẽ có tác dụng tiêu cực hơn là tích cực”. Cô phượt thủ này chiêm nghiệm: “Đã có một thời gian, bản thân mình vẫn cảm thấy bế tắc, lạc lối sau những lúc trên đường. Kỹ năng giao tiếp của mình vẫn kém cỏi, kiến thức của mình vẫn sơ sài, mình vẫn tự ti về bản thân cho đến khi mình đọc sách và phát hiện những gì còn thiếu sót. Đi không thôi là chưa đủ. Nếu chỉ đi mà không đọc sách, không học hỏi từ người xung quanh, không tích cực bổ sung kiến thức, thì dù có xách ba lô lên và đi nhiều bao nhiêu chăng nữa, rồi ta cũng không phát triển được hết những tiềm năng của mình. Bản thân việc đi nó không bảo đảm được cái gì cả. Nó không chắc rằng ta sẽ giỏi hơn, sẽ thành công hơn, sẽ được bạn bè, mọi người quý mến. Nó chỉ là môi trường để ta rèn luyện. Nhưng nếu không biết tự rèn luyện mình, tự tu tâm dưỡng tính, tự trau dồi bản thân thì việc đi nhiều không thể bù đắp cho ta những thiếu hụt ấy. Du lịch bụi là một cách tự học, tức là: Đó chỉ là một cách, chứ không phải là cách duy nhất hay cách hoàn hảo nhất để học hỏi”, Rosie Nguyễn khẳng định.

Ngọc Anh