Thứ ba, 10/8/2010, 10h08

"Phút 89”, Vedan chịu bồi thường

Chiều 9-8, trong một diễn biến không quá bất ngờ, lãnh đạo Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN (gọi tắt là Công ty Vedan) đã chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Hơn 4.000 lá đơn của nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kiện Công ty Vedan được gửi đi và cũng từng ấy gia đình đau đáu chờ đợi. - Trong ảnh: ông Võ Vân Giác xem lại những lá đơn kiện Vedan của mình - Ảnh: HÀ MI
Cuộc họp diễn ra tại trụ sở UBND TP.HCM, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Thái Lai chủ trì, kéo dài suốt buổi chiều với sự tham dự của đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Công ty Vedan.
Đúng 17g, ông Yang Kun Hsiang - tổng giám đốc Vedan - bước ra và trả lời báo chí trong một cuộc phỏng vấn chóng vánh. 15 phút sau, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chủ trì họp báo thông tin kết quả cuộc họp.
Vedan “chịu phép”
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết đến trước lúc cuộc họp bắt đầu, phía Vedan đề nghị nâng mức “hỗ trợ” thiệt hại cho Đồng Nai từ 60 tỉ đồng lên 70 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu từ 40 tỉ đồng lên 50 tỉ đồng và TP.HCM từ 30 tỉ đồng lên 40 tỉ đồng.
Con số này vẫn còn thấp đáng kể so với mức yêu cầu bồi thường gần 120 tỉ đồng của UBND tỉnh Đồng Nai, 53,6 tỉ đồng của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và 45,7 tỉ đồng của UBND TP.HCM. Do đó tại cuộc họp, đại diện ba địa phương không đồng ý đề nghị của Vedan mà yêu cầu Vedan phải bồi thường đúng con số đã đưa ra, nếu không người dân sẽ tiếp tục khởi kiện.
“Kết quả là Vedan đã cam kết bồi thường đúng 100% yêu cầu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 53,6 tỉ đồng và TP.HCM 45,7 tỉ đồng. Riêng Đồng Nai, do hai bên còn có những điểm chưa thống nhất về mặt tính toán nên đến thứ sáu tuần này Đồng Nai và Vedan sẽ có cuộc họp để thống nhất con số cuối cùng. Sau đó kết quả sẽ được báo cáo lên Thủ tướng” - Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nói. Theo ông Lai, sau cuộc họp này, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM sẽ làm việc tiếp với Vedan để ký kết các văn bản làm căn cứ giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại cho người dân.
Tổng giám đốc Vedan Yang Kun Hsiang (giữa) trả lời phỏng vấn báo chí ngay bên ngoài trụ sở UBND TP.HCM sau cuộc họp chiều 9-8 - Ảnh: Đ.P.
Sai phải bồi thường
Đề nghị đánh giá về thái độ của Vedan tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng cho đến lúc bước vào cuộc họp, Vedan cũng chưa nhận thức được trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo đúng yêu cầu của người dân, điều này thể hiện ở việc họ đề nghị nâng mức bồi thường nhưng vẫn thấp hơn mức mà các địa phương yêu cầu.
Ông Lai nói: “Trước đây Vedan còn mặc cả, đến cuối cuộc họp này họ đã nhận thức được trách nhiệm phải bồi thường theo yêu cầu của hai địa phương thì chúng ta cũng nên ghi nhận. Tôi cho rằng việc nhận thức trách nhiệm của Vedan là tổng hợp của nhiều yếu tố, đó là cơ sở tính toán khoa học, việc người dân khởi kiện cũng như việc người tiêu dùng tẩy chay”.
Ông Lai khẳng định quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và Bộ Tài nguyên - môi trường là không chấp nhận việc trốn tránh trách nhiệm bồi thường của các doanh nghiệp một khi doanh nghiệp đó vi phạm pháp luật và gây thiệt hại cho người dân.
Trong khi đó, theo nhận xét của ông Nguyễn Duy Lượng - phó chủ tịch Hội Nông dân VN, kết quả cuộc họp chưa được như mong muốn vì Vedan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bồi thường của tỉnh Đồng Nai. Theo ông Lượng, con số 70 tỉ đồng Vedan đề nghị bồi thường cho người dân tỉnh này là quá thấp và người dân Đồng Nai chắc chắn không thể chấp nhận. “Mặc dù sau cuộc họp này, Đồng Nai và Vedan sẽ còn ngồi lại để thương lượng tiếp, nhưng theo tôi, UBND tỉnh Đồng Nai nên bám sát con số gần 120 tỉ đồng như tính toán của Viện Môi trường và tài nguyên vì đó là kết quả tính toán khoa học” - ông Lượng nói.
 
Ông Trần Văn Cường (phó giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu):
Mọi việc do dân quyết
Từ đầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu Vedan bồi thường 53,6 tỉ đồng cho người dân bị thiệt hại. Vedan không đồng ý nên người dân nộp đơn khởi kiện Vedan. Bây giờ Vedan đã chấp nhận bồi thường thì nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ thông báo ngay và thật chi tiết cho người dân bị thiệt hại được biết về việc này. Còn việc người dân có đồng ý rút đơn thôi kiện hay vẫn muốn kiện Vedan thì đó là chuyện khác, chúng tôi chưa thể nói trước được.
Ông Nguyễn Văn Phụng  (chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM):
Còn nhiều việc phải làm
Điều đáng ghi nhận là cuối cùng Vedan cũng đã chấp nhận yêu cầu bồi thường của người dân TP.HCM là 45,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm. Sau cuộc họp này chúng tôi phải ngồi lại với luật sư để thảo văn bản thỏa thuận bồi thường, để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý buộc Vedan thực hiện đúng cam kết. Quan điểm của chúng tôi là mọi việc chỉ dừng lại khi nào Vedan thực hiện bồi thường. Do đó, trong thời gian chờ ký kết văn bản bồi thường giữa hai bên thì người dân Cần Giờ vẫn tiếp tục các bước chuẩn bị hồ sơ khởi kiện như dự kiến ban đầu. Tôi tin là khi Vedan chịu bồi thường thì người dân Cần Giờ sẽ không muốn phải kéo nhau ra tòa.
Luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư Đồng Nai):
Số tiền Vedan đưa ra chưa bằng thiệt hại một xã
Con số 70 tỉ đồng mà Vedan vừa đưa ra không có ý nghĩa gì cả. Cho dù Vedan đưa ra số tiền gần 120 tỉ như tỉnh Đồng Nai yêu cầu thì cũng không thấm tháp vào đâu so với người dân ở một xã bị thiệt hại do Vedan mà tôi đã biết. Tôi đơn cử như ở ấp 5, xã Tân Hiệp, huyện Long Thành có tổng cộng 39 người bị thiệt hại đòi Vedan bồi thường trên 3 tỉ đồng thì với con số trên 5.000 người bị thiệt hại mà tỉnh Đồng Nai đưa ra, Vedan quá hiểu mình phải giải quyết hậu quả này ra sao. Hãy tin trong 39 người có một người kiện Vedan đã có 38 người đứng ra làm chứng thì đừng hòng chối cãi.
Ông Nguyễn Đức (chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai):
Luật sư vẫn tiếp tục việc của mình
Các luật sư vẫn giúp dân hoàn thiện hồ sơ để kiện Vedan và quan điểm của chúng tôi phải nộp trước thời hiệu khởi kiện. Tỉnh đã ra văn bản yêu cầu hội hướng dẫn cho dân kiện Vedan thì các luật sư làm hết trách nhiệm của mình để giúp dân.
N.T. - H.M.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai:
Tiếp tục xử lý các vi phạm khác của Vedan
* Được biết, ngoài hành vi xả thải trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính, Vedan còn các vi phạm khác như nâng công suất nhà máy khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, hay sử dụng đất sai mục đích đối với 12 hồ sinh học. Những vi phạm này sẽ được xử lý như thế nào?
- Vedan có nhiều vi phạm và mỗi vi phạm sẽ được xử lý căn cứ trên những quy định cụ thể. Hành vi xả thải trái phép đã được xử lý, Vedan cũng đã nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Những vi phạm khác sẽ được tiếp tục xem xét, xử lý trong thời gian tới.
* Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu đối với môi trường thiên nhiên, Bộ TN-MT có tính đến chuyện khởi kiện đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường?
- Thứ nhất, hành vi vi phạm nào thì chúng ta xử lý hành vi đó. Việc Vedan gây ô nhiễm môi trường làm sông Thị Vải thành sông chết thì Vedan đã bị xử phạt vi phạm hành chính và Vedan cũng đã truy nộp phí bảo vệ môi trường. Còn tiền hiện nay Vedan đang phải chi trả là bồi thường thiệt hại cho người dân.
* Trong vụ Vedan, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có thấy mình cũng là đối tượng bị thiệt hại?
- Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến (trả lời thay): Số tiền bồi thường cho người dân cũng bù đắp được một phần thiệt hại cho hệ sinh thái. Hiện nay sông Thị Vải đang trong quá trình hồi phục tự nhiên. Việt Nam là đất nước đang phát triển nên luật lệ phải phù hợp với thực tế. Không riêng Việt Nam mà một số nước trên thế giới cũng mắc phải tình trạng tương tự, có những vụ việc kéo dài hàng chục năm. Yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường có những thời kỳ yếu tố này được chú ý nhiều hơn yếu tố kia, đây là thực tế phải được xem xét dần dần.
____________________________
Ông Yang Kun Hsiang (tổng giám đốc Công ty Vedan):
Chúng tôi chấp nhận “bồi thường”!
* Vì sao phải đợi đến cuộc họp này Vedan mới chấp nhận yêu cầu bồi thường của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM?
- Đó là quá trình thương lượng giữa các bên, chúng tôi cần có thời gian để thẩm định, trước đây vì có những điểm chưa thống nhất về các con số thiệt hại nên cần phải tính toán để đi đến thống nhất.
* Phải chăng vì bị người tiêu dùng tẩy chay nên buộc Vedan phải suy nghĩ lại, thưa ông?
- Như đã nói, việc thương lượng kéo dài trong thời gian rất lâu vì phải thẩm định lại sự tính toán của Viện Môi trường và tài nguyên. Thủ tướng cũng từng chỉ đạo việc bồi thường phải hợp tình, hợp lý. Hôm nay tại cuộc họp, chúng tôi đã đồng ý bồi thường theo yêu cầu của Bà Rịa - Vũng Tàu là 53,6 tỉ đồng và của TP.HCM là 45,7 tỉ đồng.
* Như vậy Vedan đã thừa nhận tính toán của Viện Môi trường và tài nguyên về thiệt hại của người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, vậy vì sao Vedan chưa thừa nhận kết quả tính toán của viện này đối với thiệt hại của tỉnh Đồng Nai?
- Riêng tỉnh Đồng Nai do còn có những vấn đề chưa thống nhất được về diện tích vùng thiệt hại nên thứ sáu tuần này Vedan sẽ tiếp tục bàn bạc với Viện Môi trường và tài nguyên và tỉnh Đồng Nai để đưa ra một con số thống nhất.
* Lâu nay khi đặt vấn đề chi trả thiệt hại cho người dân do hành vi xả thải gây ô nhiễm của mình, Vedan cứ khăng khăng nói là “hỗ trợ”. Đến giờ phút này, Vedan đã chịu thừa nhận hai chữ “bồi thường”?
- Trước đây, cũng như từ năm ngoái, chúng tôi đưa ra những con số gọi là “hỗ trợ” và thực tế các văn bản của chúng tôi cũng ghi là “hỗ trợ”. Khi Viện Môi trường và tài nguyên tính toán ra con số thì chúng tôi nói là “bồi thường và hỗ trợ”. Và bây giờ thì thực tế “bồi thường” hay “hỗ trợ” cũng là một phương thức bồi thường mà thôi.
* Các ông chính thức thừa nhận mình phải “bồi thường” cho người dân?
- Đúng. Vì bồi thường hay hỗ trợ cũng là chi trả cho người dân và chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm.
* Việc bồi thường cho người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM bao giờ được thực hiện?
- Như kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai là sau cuộc họp này chúng tôi sẽ ngồi lại với hai địa phương để ký văn bản cam kết bồi thường cụ thể. Sau khi ký cam kết, trong vòng bảy ngày chúng tôi sẽ chuyển cho mỗi địa phương 50%, 50% còn lại sẽ được chuyển trả vào đầu tháng 1-2011.
 
Nguyễn Triều (TTO)