Thứ năm, 21/9/2017, 21h42

Phút cùng quẫn độc ác

Mâu thuẫn trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Có vô vàn cách giải quyết nhưng một số người mẹ đã tước đi mạng sống của con nhỏ để rồi phải trả giá.

Bị cáo Loan khóc nức nở tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Công Thư

Nghĩ quẫn, làm liều

Ngày 19-9, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt 10 năm tù đối với bị cáo Trần Lê Thị Xuân Loan (29 tuổi) vì tội danh “Giết người”. Cái dại của bị cáo Loan không phải do non trẻ mà do suy nghĩ nông cạn của một người mẹ quẫn trí, nhân danh tình yêu thương con.

Năm 2010, bị cáo Loan kết hôn cùng anh H.T.N.Q. Cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc hơn khi cháu Hồ Thị Diễm My ra đời. Năm 2015, Loan vay nợ của nhiều người với số tiền trên 200 triệu đồng và không có khả năng chi trả. Lúc này, Loan bị chồng lạnh nhạt trong quan hệ tình cảm nên có ý định tự tử cùng con gái. Đứa trẻ tội nghiệp vừa lên 6 tuổi không biết rằng ngày 13-7-2016 là ngày cuối cùng được sống trên cõi đời này khi được mẹ chở bằng xe gắn máy đi mua thuốc trừ sâu rồi đến khách sạn.

Tại phiên tòa, khi kể lại quá trình thực hiện hành vi gây án, bị cáo Loan khóc nức nở. Có lẽ, giây phút Loan dùng tay trái bóp miệng con gái, tay phải đổ ly thuốc vào miệng đứa bé rồi dùng khăn bịt miệng bé để con không ói và khóc sẽ ám ảnh Loan suốt cả cuộc đời. Loan cũng uống thuốc tự tử nhưng được cứu sống. Vài tiếng xì xầm trong phòng xét xử vang lên. Có lẽ, ai cũng bất bình trước những hành động mất nhân tính của một người mẹ. Qua cơn mê, từ lúc xuống xe dẫn giải để vào phòng xét xử, Loan không kìm nén được cảm xúc tội lỗi của mình nên nước mắt không ngừng tuôn rơi. “Bị cáo nghĩ rằng mình chết đi thì con gái sẽ ở với ai, nếu cháu sống thì cũng bị hắt hủi nên nghĩ phải chết cùng con gái. Hai mẹ con chết đi thì gia đình sẽ có tiền phúng viếng và gia đình lấy tiền đó trả nợ thay cho bị cáo”, người mẹ trẻ nói trong nước mắt.

Nỗi đau để lại…

Mỗi đứa trẻ sinh ra có quyền được sống, bản thân cha mẹ sinh con ra cũng không có quyền tước đoạt quyền thiêng liêng đó. Thế nhưng, không ít bậc làm cha, làm mẹ đã tự kết liễu cuộc đời con thơ bằng những hành động quá dại dột, thiếu sự hiểu biết. Ngày 7-7, do buồn chuyện gia đình nên chị Nguyễn Thị Khoe (25 tuổi, ngụ phường Vĩnh Quang, Rạch Giá) đưa hai con trai (năm tuổi và 18 tháng tuổi) về nhà mẹ ruột ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Qua hôm sau, người thân trong gia đình mới phát hiện chị Khoe đã uống thuốc trừ sâu và ép hai con trai cùng uống. Bé trai 18 tháng tuổi đã tử vong. Nhiều vụ ép con cùng tự tử đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về thực trạng đau lòng này.

Mang trong mình thiên chức làm mẹ, hết mực thương yêu con nhưng chỉ vì những ngày tháng cảm thấy bế tắc, không tìm ra lối thoát cho mình mà một số phụ nữ thường nghĩ đến cái chết. Đau lòng hơn nữa khi họ lại muốn đứa con ruột thịt của mình sẽ theo mình từ giã cõi đời này. Đứa trẻ vốn không có khả năng tự vệ. Thật đáng lên án trước hành vi tội ác của người lớn gây ra cho đứa trẻ vô tội vì con trẻ không phải chịu trách nhiệm về chuyện của người lớn.

Mang trong mình thiên chức làm mẹ, hết mực thương yêu con nhưng chỉ vì những ngày tháng cảm thấy bế tắc, không tìm ra lối thoát cho mình mà một số phụ nữ thường nghĩ đến cái chết. Đau lòng hơn nữa khi họ lại muốn đứa con ruột thịt của mình sẽ theo mình từ giã cõi đời này. Đứa trẻ vốn không có khả năng tự vệ. Thật đáng lên án trước hành vi tội ác của người lớn gây ra cho đứa trẻ vô tội vì con trẻ không phải chịu trách nhiệm về chuyện của người lớn. Khi vụ việc người mẹ ép con thơ tự tử được đưa ra xét xử, có tiếng nói cảm thông, chia sẻ với phút cùng quẫn, làm liều của người mẹ. Tuy nhiên, không ít sự phẫn nộ, lên án hành vi tội ác đó. Suy cho cùng, không lời nào có thể biện minh cho những người mẹ ép con tự tử. Bởi, nếu thương con, lo nghĩ cho con thì không nên tự tử, mà phải sống và chiến đấu đến cùng vì con.

Có mặt tại tòa, anh Q. - chồng của bị cáo Loan tha thiết mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho vợ. Theo anh Q., trong cái chết đau lòng của con gái, anh có một phần trách nhiệm. Mái ấm nhỏ của hai vợ chồng ngày nào giờ đã tan tát. Nỗi đau của anh Q. không chỉ là nỗi đau mất con, mà còn là nỗi đau của người phải chứng kiến cảnh người mình từng “đầu ấp tay gối” nhận sự trừng phạt của lương tâm và luật pháp.

Thục Quyên