Thứ sáu, 18/3/2011, 11h03

Tác hại của rượu, bia: Kỳ I: Tăng tai nạn giao thông

Một vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và xe
Trước đây, nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển phương tiện giao thông là 80mg/100ml máu hoặc 40mg/1 lít khí thở. Hiện nay, con số này giảm xuống còn 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng. Đây là một quy định vô cùng cần thiết để hạn chế bớt nguy cơ gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, số người tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn không ngừng gia tăng.
Báo động TNGT do bia rượu
Thực tế, mỗi ngày, TNGT do người điều khiển phương tiện say rượu, bia gây ra rất nhiều và nghiêm trọng. Đặc điểm của người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường là chạy tốc độ cao, lạng lách, không làm chủ được tay lái, phán đoán và xử lý tình huống kém. Do đó, say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường... Theo phân tích của UB ATGT quốc gia, tình trạng TNGT trong mấy năm qua cho thấy, số vụ TNGT do sử dụng rượu bia chiếm 6,5%/năm. Riêng biệt, có tỉnh, thành tỷ lệ này chiếm đến 30% số vụ. Đối tượng sử dụng rượu, bia thường gây ra TNGT là người điều khiển mô tô chiếm 87,6%; người điều khiển phương tiện thô sơ: 5,4%; người điều khiển ô tô: 4,1%; người đi bộ: 2,7%... Tình trạng người tham gia giao thông say rượu, bia đang gia tăng từng ngày, từng giờ, tác động tiêu cực đến tình hình TNGT. Do đó, pháp luật cần nghiêm khắc xử lý các trường hợp lái xe có sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác khi tham gia giao thông.
Đã uống thì đừng lái
Chúng ta dễ dàng nhận thấy việc sử dụng rượu, bia ở các đô thị lớn, như: Hà Nội và TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng. Kinh tế khá lên là một trong những nguyên nhân khiến các quán nhậu vốn nhiều vô kể ở Hà Nội và TP.HCM ngày càng đông khách. Cụ thể, mỗi buổi chiều, nhất là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ hội hoặc những ngày có các trận thi đấu bóng đá được truyền hình trực tiếp thì đa phần các quán bia lớn nhỏ đều đông nghịt khách. Trước cửa quán, xe máy để “ngập” trên vỉa hè, tràn ra cả lòng đường. Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), tổng sản lượng rượu tiêu thụ cả nước đạt 100 triệu lít/năm. Đó là chưa kể 250 triệu lít do người dân tự nấu và hàng chục triệu lít rượu nhập khẩu được tiêu thụ trên thị trường. Riêng về sản lượng bia, trong năm 2010, mức tiêu thụ của cả nước đạt khoảng 1,5 tỉ lít. Tỷ lệ thuận với sự gia tăng về mức sử dụng rượu, bia là số vụ tai nạn giao thông, người bị nạn có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định cũng tăng đáng kể.
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Thực tế, số người không tự kiểm soát được hành động của mình sau khi uống bia là rất lớn. Theo nhiều chuyên gia y tế, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/1 lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều. Với mức 0,1mg/1 lít khí thở, người uống đã gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về… Ở mức 0,2mg/1 lít khí thở, người uống dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Và nếu cao hơn nữa, tùy mức độ, người uống có thể bị lú lẫn, không nhận thức được mọi việc diễn ra xung quanh…
Chắc chắn một điều không mấy người trước khi uống nghĩ rằng mình sẽ “quá chén”, lại càng chẳng mấy ai nghĩ đến những hậu quả khôn lường sau những trận nhậu nhẹt tơi bời. Trong khi đó, TNGT vẫn luôn thường trực hàng ngày, hàng giờ. Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức đáng báo động. “Tai nạn giao thông không trừ một ai”, ai cũng biết điều này nhưng bản thân mỗi người dường như vẫn coi thường tính mạng của mình.
Bài, ảnh: Hà Anh
Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) đã trình Thủ tướng Chính phủ về chương trình quốc gia phòng chống tác hại của rượu, bia nói chung, phòng ngừa TNGT đường bộ do lái xe say rượu, bia gây ra nói riêng. Theo đó, bổ sung tiêu chuẩn của lái xe: không nghiện hút, ma túy và rượu bia. Định kỳ kiểm tra sức khỏe lái xe, không cấp giấy phép lái xe cho người nghiện rượu, bia và các chất kích thích khác. Trường hợp đã có giấy phép lái xe phải buộc người đó cai nghiện, không cho điều khiển phương tiện. Người nghiện nặng không thể cai nghiện được thì phải thu giấy phép lái xe, cấm điều khiển phương tiện. Quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, các đơn vị có nhiều lái xe nghiện rượu, bia gây tai nạn.