Thứ ba, 18/8/2009, 12h08

Châu Đốc: Ngọt ngào miền sông nước

Không chỉ được biết đến là “vựa” cá tra, cá basa của Đồng bằng sông Cửu Long, Châu Đốc còn là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, một trong những trung tâm tín ngưỡng của Nam Bộ. Ghé chân đến nơi đây, bất kỳ du khách nào cũng ngạc nhiên với nét độc đáo của làng nổi hoặc tìm thấy chút bình yên, trầm mặc khi tham quan núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ...

Lạ lẫm làng nổi

Làng nổi Châu Đốc.
Điểm độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng nổi, nét văn hoá đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông Bassac.
Nếu lấy thị xã Châu Đốc làm tâm điểm, thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu, làng bè trải dài hơn 3km, xuôi trở xuống làng bè cũng kéo dài 3km. Rẽ về hướng huyện Châu Phú, làng trải dài 4 - 5km, sau đó thưa thớt dần, rồi quy tụ đông đúc và dày đặc ở đoạn sông qua huyện Tân Châu với chiều dài 7 - 8km. Số lượng bè tăng vọt khoảng 7 - 8 năm trở lại đây vì phong trào nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu ngày càng nở rộ. 
Đóng một cái bè nuôi tốn không dưới 100 triệu đồng vì bè rộng rãi, dưới đáy sâu khoảng 10m được bọc bằng lưới kẽm hoặc cây đóng thưa. Mỗi chủ bè có ít nhất 3 - 4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Kiếm một miếng đất giá vài chục triệu đồng ở thị xã cũng khó. Vì vậy, người ta lấy số tiền đó đóng bè, neo đậu dưới sông. 
Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7 - 8m. Do nhu cầu sinh hoạt của dân cư, nhiều dịch vụ khác cũng xuất hiện trên các bè: cửa hàng, sửa chữa máy móc, bán xăng dầu,... Vậy là hình thành làng nổi. 
Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này, không khác gì chiếc xe máy của người dân trên bờ. Khách du lịch cũng thích đi trên các tắc ráng, vỏ lãi, hay xuồng gắn máy đuôi tôm tham quan làng nổi. Chúng tôi ghé thăm điểm nuôi cá bè của chị Huỳnh Thị Nương, chủ nhân của 8 chiếc bè. 
Đến nơi đây, ngoài tận mắt chứng kiến quy trình chế biến thức ăn cho cá, chúng tôi còn thấy thích thú hơn khi thả mồi xuống bè, hàng ngàn con cá vẫy đuôi tranh nhau đớp mồi, làm nước bắn tung tóe ướt sũng cả mặt sàn. Ngồi trên bè, hứng luồng gió mang hơi nước mát lạnh từ ngoài sông thổi vào, dường như xua tan cái nóng bức của mùa hè. 
Độc đáo núi Sam, miếu Bà 
Núi có tên Sam vì nhìn từ xa, núi có dáng dấp như một con sam đen bám trên cánh đồng xanh mênh mông. Ngoài ra, còn có truyền thuyết rằng, nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên mặt biển (lúc biển còn bao phủ toàn vùng), là nơi có nhiều sam sinh sống nên được gọi là Học lãnh sơn, nghĩa là núi con Sam. Núi có diện tích 280ha, cao 241m, là loại núi trẻ, có cây xanh bóng mát. 
Bên cạnh đó còn có kênh rạch bao quanh, cùng với đền, chùa cổ kính trên sườn núi tạo nên một phong cảnh hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú. Từ lâu, hình ảnh núi Sam đã thấm đậm trong tâm hồn người dân An Giang. Bởi nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng như: chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và nhiều thắng cảnh đẹp như đồi Bạch Vân, vườn Tao Ngộ... 

Miếu Bà Chúa Xứ.

Núi Sam còn có nhiều đền, chùa, am cốc, trong số đó miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc rất đẹp và tôn nghiêm. Hàng năm có lễ Vía vào tháng 4, đông đảo khách trong và ngoài nước đến hành hương, cầu phúc lộc và chiêm ngưỡng. 
Lúc đầu, miếu Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Sau nhiều lần trùng tu, miếu Bà khang trang hơn. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá và lợp ngói. 
Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Mái cong nhiều tầng lợp ngói xanh, tường ốp gạch men bóng láng, các khung cửa bằng gỗ quý được chạm trổ hoa văn công phu. Chánh điện cao rộng, thoáng khí, vừa uy nghi vừa ấm cúng. Công trình là một quần thể hoành tráng trên mặt bằng rộng với dãy đông lang, tây lang, nhà khách bao bọc xung quanh cũng với kiến trúc mái cong. Tượng Bà đặt giữa chánh điện, đội mão sặc sỡ, mặc áo bào thêu rồng phụng, kim tuyến lấp lánh. 
Các lễ cúng ở miếu Bà vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Vào lúc nửa đêm 23 rạng 24 tháng Tư âm lịch, lễ tắm và thay xiêm y cho tượng Bà được tiến hành khoảng hơn một giờ đồng hồ nhằm lau sạch bụi bặm. Các vị bô lão trong lễ phục áo dài khăn đóng lên đèn, niệm hương, dâng rượu, trà. Xong phần nghi thức, khoảng 4 - 5 phụ nữ đứng tuổi, có uy tín trong làng tiến hành việc tắm Bà. Sau khi cởi áo mão, các vị dùng nước sạch có ngâm hoa lài tỏa mùi thơm ngào ngạt để lau cốt tượng. Xong, xịt nước hoa rồi mặc áo mão mới cho Bà. Y phục cũ của Bà được cắt nhỏ, phân phát cho khách hành hương, được coi như bùa hộ mệnh. Mặc dù công việc được thực hiện sau bức màn che nhưng có hàng ngàn người chen chúc nhau đến chứng kiến ngoài vòng rào chánh điện. 
Lễ túc yết và lễ xây chầu được tiến hành trong đêm 25 rạng 26, đây là lễ chính trong lễ hội vía Bà. Từ đầu hôm, hàng chục ngàn người đã tụ tập về miếu Bà để được tham dự cuộc hành lễ này. Trước đó, hồi 15 giờ, lễ thỉnh sắc thần được tiến hành trọng thể trong tiếng trống lân rộn rã. Các bô lão và thanh niên trong lễ phục, xếp hai hàng dưới bóng cờ, lộng sặc sỡ, hộ tống long đình rước bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân từ lăng về miếu. 
Đến 4h sáng ngày 27, lễ chánh tế được tiến hành như lễ túc yết nhưng đơn giản hơn. Và 15h cùng ngày, đoàn thỉnh sắc làm lễ hồi sắc, đưa bài vị ông Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân trở về lăng, kết thúc một mùa vía.
Theo KTNT