Thứ hai, 7/9/2009, 15h09

Dạy “an toàn giao thông” cho trẻ mầm non

Các cháu Mầm non 11A đang tập tham gia giao thông

Trường Mầm non 11A, Q.Gò Vấp, TP.HCM tọa lạc ngay ngã tư Lê Văn Thọ – Cây Trâm, một tuyến đường giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ đưa đón trẻ. Trước tình trạng đó, Ban giám hiệu trường đã phối hợp cùng các ngành chức năng tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cán bộ, giáo viên (GV) và các bé của trường để giúp hình thành ở trẻ ý thức chấp hành tốt an toàn giao thông (ATGT), qua đó vận động tuyên truyền trực tiếp đến phụ huynh.
Tuyên truyền tốt đến các bậc phụ huynh
Nhằm trang bị cho giáo viên những kiến thức cơ bản về lĩnh vực ATGT, Trường Mầm non 11A đã tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông quận và thành phố giúp đỡ, bồi dưỡng cho đội ngũ về kiến thức trên lĩnh vực ATGT như: hiểu ký hiệu qui định trên các biển báo, tín hiệu đèn, điều lệnh, trang phục, dụng cụ… cung cấp cho nhà trường tranh tuyên truyền hoặc giúp nhà trường kiểm định độ chính xác của những panô tuyên truyền về giáo dục ATGT do nhà trường tự tạo để giáo dục trẻ và tuyên truyền đến các bậc phụ huynh. Ngoài ra, trường còn vận động công an phường 11 giúp nhà trường giữ gìn trật tự, dẹp các gánh hàng rong nhằm tạo một môi trường giao thông chuẩn mực, an toàn, mang tính giáo dục cao và để lại ấn tượng đẹp ngay trước cổng trường.
Một yếu tố quan trọng cần có để thực hiện chuyên đề giáo dục ATGT là nguồn kinh phí. Đây là một vấn đề khó của ngành học mầm non nói chung, trong đó có Trường Mầm non 11A. Nhiều năm qua, bằng phương châm xã hội hóa, lãnh đạo nhà trường đã vận động nguồn lực từ lực lượng phụ huynh để mua sắm trang thiết bị dạy học cho GV và đồ chơi cho trẻ. Muốn được phụ huynh ủng hộ, nhà trường đã cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều cách như: giới thiệu nội dung chuyên đề, vẽ tranh panô áp phích tuyên truyền trong khuôn viên trường nơi phụ huynh thường xuyên tiếp xúc hàng ngày, tổ chức các hoạt động thực hành của trẻ cho phụ huynh quan sát.
Đưa thực tế vào bài giảng
Chủ đề ATGT tháng 4 hàng năm được các GV soạn sẵn giáo án, mỗi GV có một đề tài khác nhau được lồng ghép sinh động. Cũng trong tháng 4, nhà trường phối hợp với đài truyền hình tổ chức thực hiện các phóng sự có nội dung “Bé thực hiện đúng Luật Giao thông”. Nhà trường xây dựng khá hoàn chỉnh bộ tranh tuyên truyền về phương tiện và Luật Giao thông đường bộ. Nội dung tranh được in khổ lớn treo xung quanh sân trường để trẻ và phụ huynh thường xuyên được tiếp xúc, qua đó GV có môi trường thuận lợi để hướng dẫn trẻ việc thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ một cách hiệu quả. Cô Lê Minh Huệ, GV lớp chồi cho biết: “Nội dung các hình ảnh trên còn được sang thành đĩa dưới dạng phim tuyên truyền trình chiếu phục vụ cho trẻ xem tại lớp”.
Hàng ngày, GV đã tận dụng mọi cơ hội, dành nhiều thời gian cho trẻ được tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm thực tiễn qua hoạt động ngoài trời, nhất là các cháu lớp mầm, chồi, lá, được đi quan sát giao thông trên đường phố với bài học “ngã 4 đường phố” và “con đường về nhà”. Đồng thời GV đọc cho các cháu nghe các cuốn sách: “Bé làm quen với giao thông”, “Bé học Luật Giao thông”, “Bé đi đường” và chơi bộ lô tô về các phương tiện giao thông. Tại ngã 4 chốt đèn xanh – đỏ, các cô giải thích cặn kẽ từng tín hiệu đèn vàng – xanh – đỏ, và tác dụng của nó. Sau khi quan sát thực tế xong, GV dẫn học sinh vào trường. Tại sân trường được xây dựng một số mô hình được gọi “Khu vực chơi giao thông”; cũng có ngã tư, chốt đèn xanh - vàng - đỏ, bồn cây được làm vòng xoay, có đầy đủ các bản tín hiệu dừng lại, ngược chiều, đường cấm… sau đó học sinh sẽ thực hành tại chỗ những gì mình vừa được quan sát, một số trẻ được cải trang thành chú CSGT. Cô Nguyễn Thị Thu, GV lớp lá 4 cho biết: “Chúng tôi đưa tiết học này vào những buổi học cuối giờ, sát với giờ đón trẻ của phụ huynh. Hình ảnh chú cảnh sát và trẻ cùng thực hiện Luật Giao thông trên sân trường rất hấp dẫn và thu hút sự chú ý, theo dõi của phụ huynh và người dân quanh trường. Đây là bức tranh sống động mà chúng tôi đã xây dựng”.
Cô Phạm Thị Thanh Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi triển khai giáo dục ATGT phù hợp với lứa tuổi mầm non, trẻ có một môi trường hoạt động tốt, ở đó trẻ được tự khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm và vui chơi, phù hợp với đặc thù của giáo dục mầm non là “học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó tạo điều kiện cho trẻ được giáo dục về ATGT để sớm hình thành ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông”. Cô Liên cũng cho biết thêm: “Phần lớn các em lớp chồi, lớp lá (4 và 5 tuổi) nay đã lên học tại các trường tiểu học, tiếp xúc với chủ đề ATGT của nhà trường rất nhanh nhạy, đó cũng là bệ phóng mà chúng tôi đã xây dựng cho các em”.
Lê Hữu