Thứ năm, 8/4/2010, 15h04

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Nhiều nàng dâu thời nay khi bước chân về nhà chồng thường mang theo hy vọng “làm một cuộc cách mạng” nhằm thay đổi những thói quen cố hữu của mẹ chồng… Nhưng đôi khi, chính cách cư xử của các nàng dâu có học vấn, độc lập về kinh tế là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn căng thẳng với gia đình chồng.
Những mâu thuẫn không đáng có
Chồng Ngân vốn là trai làng ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ chồng cô quê gốc ở miền Trung, trước đây làm ruộng. Bỏ làng lên phố, gia đình chồng Ngân bán đất, xây nhà lớn, đời sống kinh tế khá ổn định. Thế nhưng, Ngân vẫn không thể quen nổi cách sống của mẹ chồng.
Bà không quá xét nét con dâu, Ngân lại không thể chịu nổi tính xuề xòa mà cô cho là “ẩu” của mẹ chồng. Từ cách bà rửa bát, lau nhà cho đến cách xưng hô với con dâu, Ngân đều không hài lòng. Đã có lần, trong lúc góp ý với con dâu, mẹ chồng cứ “mày mày, tao tao”, Ngân thẳng thắn nói: “Ở nhà phải có trên có dưới, mẹ là mẹ, con là con. Mẹ cứ mày tao với con, con không nói chuyện với mẹ đâu!”.
Hồi mới về nhà chồng, nhìn những bộ quần áo mà mẹ chồng mặc, Ngân không thể chịu nổi. Chỉ nghĩ đến việc phải giặt những chiếc váy áo xinh đẹp của mình cùng với những bộ đồ đen xỉn, vá mấy tầng của bà là cô đã nổi da gà. Ngân mua quần áo mới nhưng bà không mặc. Những lúc có khách đến nhà, cô thấy ngượng vô cùng vì mẹ chồng ăn mặc quá xuềnh xoàng.
Gia đình chồng Ngân trước nay vẫn giữ nếp nấu cơm sáng. Ngân phần không quen, phần vì ngại mẹ chồng phải dậy sớm nấu nướng nên sáng sáng cô thường đi mua phở, bánh cuốn thay cơm. Chồng cô, em chồng, rồi bố chồng đều rất thích vì được đổi món, nhưng mấy lần khen thì bị mẹ chồng Ngân “lườm” cho, thế là lại phải quay về ăn cơm như cũ. Tình cảm mẹ chồng - nàng dâu càng thêm xa cách.
Học cách chấp nhận!
Một lần, phát hiện ra mẹ chồng “nói xấu” mình với người họ hàng, Ngân nằng nặc bắt bà xin lỗi mình. “Con sai, con xin lỗi. Lần này mẹ sai, mẹ phải xin lỗi con!”. Mẹ chồng Ngân biết mình sai, nhưng bảo bà xin lỗi con dâu thì… không thể. Ngân lại cho đó là chuyện không bình thường, cô cương quyết đến mức chồng cô không chịu được, đã tát cô một cái vì tội “hỗn”.
Hoang mang, Ngân không biết mình sai ở chỗ nào bèn đi gặp chuyên gia tâm lý. Lúc này, cô mới vỡ lẽ ra một điều: đừng bao giờ nuôi hy vọng thay đổi mẹ chồng! Người phụ nữ ấy đã sống và làm chủ căn nhà của bà, làm chủ mọi tình huống trong suốt mấy chục năm. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện bà thay đổi cả cách sống của mình chỉ vì một cô con dâu “người dưng khác họ”. Cô bắt đầu học cách chấp nhận tính cách của mẹ chồng. Qua nhiều lần tâm sự đã giúp cô hiểu cả quãng đời khó khăn thời bao cấp của mẹ chồng, khi phải nuôi bốn đứa con trong lúc chồng đi vắng liên miên. Cô trở nên thương mẹ chồng hơn, và cũng không còn xấu hổ vì những bộ quần áo cũ rách của bà nữa.
Thời nào cũng vậy, con dâu tôn trọng mẹ chồng chính là tôn trọng chồng, tôn trọng chính mình và là tấm gương để con cái soi vào. “Xây dựng quan hệ tốt đẹp với mẹ chồng là không được mong chờ bất kì điều gì từ mẹ chồng” - một chuyên gia tâm lý đã khuyên các nàng dâu như vậy!
Thanh Nga
Lấy lòng mẹ chồng có khó?
Sống đúng mực với nhà chồng là điều quan trọng. Còn chuyện cố gắng để vừa lòng mẹ chồng là điều khác. Nhiều nàng dâu cứ nghĩ mình cần mẫn làm việc nhà, ăn nói lễ độ, mua biếu quà cáp thường xuyên, nói tốt về nhà chồng nhiều… thì sẽ được mẹ chồng yêu như con gái. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng được như vậy. Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu cũng giống nhiều mối quan hệ khác, tức là làm sao để hài hòa giữa việc cho và nhận. Con dâu dù có tốt đến mấy nhưng nếu bị nhà chồng hờ hững thì cũng không tránh khỏi tổn thương. Nhất là khi cứ hết lòng vì nhà chồng nhưng lại không nhận được những điều như mong đợi thì càng thất vọng. Khi đó, sẽ nảy sinh tâm trạng u uất với nhà chồng. Để tránh tình cảnh đó, nên lấy lòng nhà chồng đúng cách. Nghĩa là có thể chia sẻ việc nhà cùng chồng và các thành viên trong gia đình chồng. Không cần thiết phải ôm đồm hết để cố lấy “thành tích”. Nếu mệt mỏi thì cần biết nghỉ ngơi và thư giãn. Khi tâm trạng và sức khỏe không tốt thì càng nảy sinh tâm lý chán nản nhà chồng hơn. Việc khen ngợi hoặc mua quà biếu nhà chồng cũng cần thật lòng và có chừng mực. Nếu quá đà, dễ bị đánh giá là “giả tạo” hoặc mang tiếng “nịnh bợ”. Cũng không nên quá kỳ vọng vào sự đền đáp lại từ nhà chồng. Rất khó để có thể cân đo xem con dâu tốt với mẹ chồng thế này thì mẹ chồng phải tốt lại bao nhiêu là đủ. Không nên quan niệm nặng nề, con dâu phải thế này, phải thế kia mà cần biết điều tiết cuộc sống. Có thể trò chuyện với mẹ chồng để đôi bên hiểu nhau hơn. Mỗi người nhường nhịn và giúp đỡ nhau một tý thì cuộc sống bên nhà chồng sẽ không còn ngột ngạt.
Thùy Trang