Thứ tư, 27/10/2010, 16h10

Tinh hoa gốm Lái Thiêu: Kỳ cuối: Dòng chảy thời gian

Gom hàng xuất khẩu

Hơn 140 năm qua, gốm sứ Bình Dương nói chung và gốm Lái Thiêu nói riêng đã khẳng định được truyền thống và bản sắc riêng. Từ những sản phẩm gia dụng phục vụ trong nước, đến nay gốm Lái Thiêu đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời cực thịnh
Dòng gốm Lái Thiêu hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Thời gian này, người Hoa gốc Quảng Đông, Phúc Kiến và Triều Châu làm nghề gốm đến định cư tại đây. Kỹ thuật gốm truyền thống của người Hoa kết hợp với bản sắc văn hóa và nguyên liệu sẵn có của vùng đất này đã tạo nên những sản phẩm gốm đặc trưng cho Lái Thiêu.
Thời cực thịnh của gốm Lái Thiêu là những năm đầu thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, sản phẩm gốm gia dụng được sản xuất trên khắp cả nước chứ không còn bó hẹp ở vùng Nam bộ. Đến năm 1950, gốm Lái Thiêu đã có nhiều sản phẩm nghệ thuật hiện đại xuất khẩu sang các nước châu Âu. Không chỉ ở Lái Thiêu, các lò gốm trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng bắt đầu lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để xây dựng thương hiệu riêng.
Theo sử sách, chủ các lò gốm ở Lái Thiêu đến từ các địa phương khác nhau, mỗi địa phương có một nét văn hóa riêng nên các sản phẩm gốm cũng thể hiện nhiều bản sắc khác nhau. Gốm Lái Thiêu có ba trường phái: Quảng Đông, Triều Châu và Phúc Kiến. Trường phái Quảng Đông do các chủ lò gốc Quảng Đông lập nên. Sản phẩm gốm thuộc trường phái này chủ yếu là các loại tượng trang trí, chậu hoa sử dụng men nhiều màu sắc, hoa văn cách điệu không kém phần trang nhã. Trường phái Triều Châu lại chuộng màu men xanh trắng với phong cảnh, cây cỏ như tre, tùng, bách và con vật như gà, rồng… làm hoa văn. Những nét vẽ tài tình ấy được thể hiện trên các đồ gia dụng như chén, dĩa, tô… Đơn giản nhưng không kém phần sinh động, phong phú là trường phái Phúc Kiến.
Bình Dương có ba làng nghề gốm nổi tiếng là Tân Phước Khánh (huyện Tân Uyên), Lái Thiêu (thị trấn Lái Thiêu) và Chánh Nghĩa (nay thuộc thị xã Thủ Dầu Một). Lò gốm ở Tân Phước Khánh được các nhà nghiên cứu xác định có trước khi xây dựng miếu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (chùa Bà ngày nay). Bởi trong ngày khánh thành miếu, người dân đã mang đồ cúng đến, trong đó có một bình hoa khắc dòng chữ “Tân Khánh Thôn” bằng tiếng Hán. Trong ba làng nghề ấy, chỉ có Lái Thiêu phát triển vượt bậc kể về số lượng các lò và chất lượng gốm nhờ vào “thiên thời, địa lợi, nhơn hòa”.
Thách thức mới
Mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 với chủ đề gốm sứ “Truyền thống, bản sắc và phát triển”. Festival gốm sứ Bình Dương - Việt Nam là một sự kiện kinh tế, văn hóa và du lịch mang tầm quốc gia. Đây là dịp để tôn vinh, giới thiệu đồng thời khẳng định vị trí kinh tế của gốm sứ Việt Nam ở thì hiện tại và tương lai. Qua đó, còn là cơ hội để xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin, giao dịch, ký kết mua bán gốm sứ và hàng thủ công mỹ nghệ… Kỹ sư Phan Văn Hoàng, Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nghệ nhân gốm sứ Bình Dương nhận xét: “Qua nhiều niên đại, các sản phẩm gốm Lái Thiêu đã được phân loại theo các trường phái cụ thể, rất thuyết phục. Tuy nhiên, các trường phái ấy giờ đây chỉ còn là những sản phẩm được người xưa lưu giữ lại. Vì sự phát triển của công nghệ, sự cảm nhận về gốm của con người trong thời đại mới có nhiều điểm khác xưa nên sản phẩm gốm hiện nay không còn phân biệt được các trường phái”. Nghệ nhân Hoàng cho rằng đó là sự xáo trộn giữa các trường phái, cải tiến mẫu mã để có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Xét cho cùng, đó là yêu cầu đổi mới để hội nhập với thế giới, nhưng sự phát triển này làm thay đổi nét độc đáo vốn có của gốm Lái Thiêu nói riêng và gốm Bình Dương nói chung.
Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu ngành gốm sứ Bình Dương đạt bình quân 120 triệu USD, chiếm khoảng 70-80% kim ngạch xuất khẩu gốm sứ trên cả nước. Từ 500 cơ sở lớn nhỏ đến nay chỉ còn dưới 130 doanh nghiệp gốm còn tồn tại, trong đó có khoảng 25 doanh nghiệp làm gốm xuất khẩu. Vấn đề môi trường và tốc độ phát triển công nghiệp khiến làng nghề bị mai một dần là một thách thức lớn trong việc gìn giữ và phát triển nghề gốm tại vùng đất này. Việc di dời các làng nghề gốm truyền thống về các huyện Tân Thành, Bến Cát, Tân Uyên là một việc làm đúng đắn để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương cần có quy hoạch, đề án cụ thể, sáng suốt nhằm tránh tình trạng xáo trộn, mất cân bằng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch của địa phương.
Tuy hiện nay, số lò gốm ở Bình Dương giảm nhiều so với trước nhưng sự phát triển về chất lượng của nó thì không ai có thể phủ nhận. Không chỉ sản xuất hàng phục vụ trong nước mà các doanh nghiệp trong vùng còn mở rộng thị trường sang các nước Á, Âu. Nghề gốm trong thời đại mới nhờ có sự hỗ trợ của máy móc công nghiệp giúp người thợ đỡ vất vả hơn và sản phẩm khi ra lò cũng có chất lượng tốt hơn. Ở một mức độ nào đó, thu nhập của người thợ gốm cũng đã được cải thiện. Dù không cao là mấy nhưng đó là sự động viên tinh thần để họ thỏa sức thả hồn cho đất, sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới. Ông Vương Thế Hùng, chủ lò gốm Kiến Xuân chia sẻ: “Chúng tôi không sợ mai một nghề truyền thống mà e ngại không có sản phẩm độc đáo để cạnh tranh với những sản phẩm mới lạ trên thị trường”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Ông Đỗ Khắc Điệp, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương cho biết: “Trước nguy cơ mai một dần của các làng nghề gốm sứ, tỉnh Bình Dương luôn tìm cách thay đổi cho phù hợp với thị trường để “nuôi” sống được người làm nghề, “giữ lửa” tâm huyết của họ nhằm gìn giữ và thúc đẩy nghề truyền thống này phát triển”.