Thứ năm, 22/9/2011, 22h09

Yên Bái: Xe đạp điện và nỗi lo ATGT

Tình trạng học sinh đến trường bằng xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá nhiều trên địa bàn tỉnh. Vào những giờ tan trường, hình ảnh học sinh phóng xe chạy nhanh hoặc dàn hàng ba, hàng năm trên đường trở thành nỗi lo sợ của những người tham gia giao thông…
Nguy hiểm đến từ xe đạp điện
Theo thống kê của Công an tỉnh Yên Bái, trên 60% các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) là thanh thiếu niên, trong đó 70% thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên từ bậc học THCS đến đại học.
Trên địa bàn thành phố Yên Bái hiện có 71 trường học từ bậc học mầm non đến chuyên nghiệp với trên 20 nghìn học sinh, sinh viên theo học. Ngành giáo dục - đào tạo và các cơ quan chức năng đã đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tới 100% trường học. Các trường học cũng tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về ATGT cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
 Tuyên truyền về luật giao thông và ATGT tại các trường học (ảnh minh họa)
  Tuy vậy, không thể nói văn hóa giao thông học đường đã được thực hiện tốt. 3 năm trở lại đây, số học sinh sử dụng xe đạp điện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang phát triển nhanh chóng bởi những tiện ích như: nhẹ nhàng, êm ái, không đăng ký, không bằng lái, không phải lo xăng dầu tăng giá như mô tô xe máy và kinh phí đầu tư không quá lớn. Các bậc phụ huynh chỉ phải bỏ ra từ 5 - 7 triệu đồng là có thể mua cho con một chiếc xe.
Điều đáng nói là đi xe đạp điện cũng nguy hiểm chẳng kém xe máy vì tốc độ của xe có thể đạt tới 60km/h. Trong khi đa phần các em học sinh chưa ý thức hết mối nguy hiểm từ loại phương tiện này, nhiều em thiếu ý thức chấp hành Luật GTĐB thường xuyên đi hàng 3, hàng 4, phóng nhanh, đùa dỡn trên đường…
 Nhiều học sinh đi xe đạp điện với tốc độ cao mà không đội mũ bảo hiểm
 Để đảm bảo an toàn cho tính mạng cho người điều khiển phương tiện và ATGT, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành văn bản quy đinh học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện đến trường phải đội mũ bảo hiểm... Tuy vậy, bất chấp quy định này, tại nhiều trường THPT, tình trạng học sinh đi xe gắn máy và đi xe đạp điện đến trường không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá phổ biến.
Lỗi do “ý thức”
Vai trò của nhà trường trong việc giáo dục học sinh nâng cao ý thức chấp lành luật giao thông đường bộ là vô cùng quan trọng. Cùng với các cơ quan chức năng, khối nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa tình trạng vi phạm luật giao thông của học sinh. Bà Nguyễn Ngọc Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong cho biết: “Với 994 học sinh ở 4 khối lớp, mỗi khi tan trường, nhà trường đều phân công các đội công tác ATGT phụ trách khu vực cổng trường, khu vực đèn xanh đèn đỏ tại ngã tư để phát hiện các trường hợp học sinh dàn hàng ngang trên đường hay vượt đèn đỏ”.
Tình trạng vi phạm luật giao thông thường xảy ra vào lúc tan trường
Cùng với đó, trường THCS Lê Hồng Phong cũng vận động phụ huynh học sinh không cho con em đi xe đạp điện đến trường, song vẫn có khoảng 60 - 70 em thường xuyên sử dụng phương tiện này. Đối với các trường hợp vi phạm, nhà trường đánh giá theo xếp loại đạo đức hàng tháng, với những em điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị giữ xe lại và yêu cầu mời phụ huynh đến.
Tuy nhiên, cô Oanh cũng thừa nhận hiện nay có không ít học sinh thực hiện theo kiểu chống đối, thấy thầy cô giáo thì chấp hành nghiêm chỉnh nhưng sau đó lại tiếp tục dàn hàng ngang hay không đội mũ bảo hiểm. Đây cũng là một trong những khó khăn chung của các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo bà Trần Thị Thanh Hằng, Phó hiệu trưởng Trường PTHT Lý Thường Kiệt, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng văn hóa giao thông học đường chính là sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Vẫn còn một bộ phận phụ huynh nuông chiều, cố tình cho con đi xe đạp điện hay xe máy khi tham gia giao thông. Có vị còn biện hộ việc cho con đi xe đạp điện đến trường là một cách sử dụng thành quả văn minh xã hội. Vì vậy nhà trường thực hiện tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu để giúp học sinh nâng cao nhận thức về ATGT chấp hành quy định về an toàn giao thông.
Khó xử phạt
Với tâm lý muốn khẳng định mình, học theo bạn bè và chưa ý thức được trách nhiệm khi tham gia giao thông mà không ít học sinh đã cố tình vi phạm. Theo thông tin từ Phòng CSGT – Công an thành phố Yên Bái, Dù đã có thông báo quy định xe đạp điện phải đăng ký biển số nhưng hiện tại vẫn chưa có chế tài xử lý. Còn với tình trạng học sinh đi xe đạp, xe đạp điện dàn hàng ngang thì việc xử phạt hành chính cũng có khó áp dụng.
CSGT tỉnh Yên Bái xử lý học sinh vi phạm luật giao thông
Theo quy định với độ tuổi dưới 16 tuổi lệ phí nộp phạt giảm 50% nhưng khi xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm các em không mang hoặc chưa có chứng minh thư nhân dân. Lực lượng tuần tra, kiểm soát lại không thể tạm giữ xe mang về trụ sở đợi các em mang giấy khai sinh đến để biết được lứa tuổi nộp phạt ở mức nào vì như thế lại sai quy định.
Chính từ những nguyên nhân đó mà lực lượng cảnh sát giao thông đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết đối với các trường hợp học sinh vi phạm ATGT. Công an thành phố cũng đang triển tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp học sinh, thanh niên không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ đồng thời phối hợp cùng các nhà trường tuyên truyền về Luật GTĐB cho các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo Văn Thanh
(giaothongvantai)