Thứ sáu, 16/7/2010, 15h07

Để trở thành một hiệu trưởng toàn năng

Hiệu trưởng phải sâu sát mọi hoạt động trong trường, làm sao để GV và HS luôn cố gắng dạy tốt, học tốt (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Năm học 2009-2010 có chủ đề “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng toàn diện”, vì vậy đề thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần thứ 11” vô cùng thiết thực và mang tính thời sự đối với ngành giáo dục.
Quả thật, trong trường học, vai trò của hiệu trưởng vô cùng quan trọng quyết định chất lượng nhà trường có đi lên hay không? Sau đây tôi xin nêu ý kiến của mình về cách làm việc của hai hiệu trưởng là ông A và ông B.
1. Cách làm việc của ông A quá nhiệt tình, không quản ngại vất vả quán xuyến nhiều công việc. Sự nhiệt tình của ông là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, để giáo viên (GV) toàn trường siêng năng làm việc. Hiện nay với cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” thì cách làm việc của ông A cũng góp phần làm cho mối quan hệ đồng nghiệp hay thầy trò trong nhà trường thân thiện hơn vì sự giúp đỡ GV tận tình của ông. Chính sự nhiệt tình của ông làm cho GV và học sinh (HS) kính nể ông hơn để mọi người cùng thi đua dạy tốt, học tốt, chất lượng sẽ nâng cao. Sự thân mật, gần gũi của ông A cũng giúp cho GV sẵn sàng trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình với ông và mọi khó khăn sẽ được giải quyết một cách êm thấm vì ai cũng thấy ông A không có bản tính quan liêu khi làm lãnh đạo.
Tuy nhiên sự nhiệt tình quá của ông A cũng có điều bất cập vì hiệu trưởng khó có thể tham gia mọi hoạt động và làm thay cho GV trong thời gian dài, công việc nhà trường quá nhiều thì làm sao hiệu trưởng có thể trực tiếp tham gia mãi được. Ta thử hình dung trong trường có khoảng 100 GV và 1.000 HS thì liệu hiệu trưởng có đủ sức dự giờ 100% GV hay hướng dẫn HS xếp hàng nổi hay không? Hiệu trưởng không nhất thiết phải ôm đồm hết mọi công việc mà phải là người chỉ đạo GV và HS làm theo kế hoạch của mình đề ra. Có thể với mỗi công việc, hiệu trưởng chỉ cần hướng dẫn một lần, sau đó GV tự làm theo. Như vậy, dù không có ông thì công việc vẫn trôi chảy vì nhà trường đã xây dựng được nền nếp rồi. Hay như ông dạy ngoại ngữ mà lại dự giờ mọi bộ môn thì liệu sau khi dự giờ, ông đánh giá tiết dạy có chính xác hay không? Nếu như ông đánh giá tiết dạy của GV không chính xác, GV không có sự tâm phục khẩu phục thì uy tín của ông sẽ giảm đáng kể. Khi mối quan hệ giữa hiệu trưởng và GV không tốt đẹp thì làm cho GV giảm ý chí phấn đấu, vì vậy chất lượng giáo dục giảm sút là điều khó tránh khỏi.
2. Cách làm việc của ông B cũng chưa tốt và ông đúng là hình ảnh đối lập với ông A, vì ông A nhiệt tình bao nhiêu thì ông B lại thờ ơ bấy nhiêu. Có lẽ ông B nghĩ rằng là hiệu trưởng thì phải ăn trên, ngồi trước, phải ra vẻ lãnh đạo và khỏi cần làm bất cứ việc gì. Ông B là hiệu trưởng quá quan liêu. Tất nhiên ông cũng có ưu điểm trong cách làm việc của mình là ông có sự quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý. Nếu như ngoài việc phân trách nhiệm cho mọi người mà ông có sự theo dõi sâu sát hơn thì rất tốt, đằng này ông quá hời hợt khi chỉ dựa vào bản báo cáo của GV để đánh giá, nếu GV làm dở, báo cáo hay thì thật là tai hại. Vì vậy ông B cần theo dõi xem cách làm việc của GV trong trường có đạt hiệu quả hay không để kịp thời khắc phục những sai sót.
Ông A và ông B, mỗi người đều có ưu, khuyết điểm riêng. Nếu có một hiệu trưởng có được ưu điểm của hai ông kết hợp lại thì sẽ tốt biết bao.
3. Một hiệu trưởng mẫu mực cần có các tiêu chí sau đây mới đáp ứng được yêu cầu “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”: hiệu trưởng phải gương mẫu từng lời nói đến việc làm để làm gương cho toàn trường noi theo; hiệu trưởng cần có tài lãnh đạo, phải học tập không ngừng để nâng cao kinh nghiệm quản lý của mình; hiệu trưởng cần có sự quản lý thật sâu sát mọi hoạt động trong trường, làm sao để GV và HS luôn cố gắng dạy tốt, học tốt để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hiệu trưởng cần nêu cao tính dân chủ, phải biết lắng nghe và thấu hiểu GV, nếu GV nào công tác tốt hay có những sáng kiến, đề xuất hay thì cần khen thưởng kịp thời; hiệu trưởng phải đối xử với GV công bằng, tuyệt đối không được trù dập GV; hiệu trưởng cần có sự khen thưởng kịp thời những GV và HS có thành tích xuất sắc trong mọi hoạt động của nhà trường; hiệu trưởng cần xóa bỏ bản tính bảo thủ, cần luôn thay đổi nếu thấy sự thay đổi đó là hợp lý để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Nói chung làm hiệu trưởng trong trường học không hề là việc đơn giản. Vì vậy các cấp lãnh đạo ngành giáo dục cần biết chọn những hiệu trưởng đủ tài, đủ tâm để lèo lái con thuyền nhà trường cập vào bến bờ vinh quang.
NGUYỄN THANH DŨNG
(GV Trường THCS Phước Lý, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An)