Thứ sáu, 17/9/2010, 14h09

Diễn đàn Đổi mới phương pháp dạy học “Làm sao tránh đọc - Chép?”: Tránh đọc - chép trong bộ môn ngữ văn

GV chia tổ rồi gợi mở để HS tự trao đổi, bàn thảo đưa ra ý kiến trong giờ học. Ảnh: P.N.Q

Ngữ văn là môn học có vai trò quan trọng trong việc trau dồi tư tưởng và tình cảm cho học sinh (HS). Thông qua bộ môn cùng với sự truyền thụ của người thầy, các em sẽ lĩnh hội được nhiều cái hay cái đẹp ở mỗi tác phẩm văn học.
Để HS cảm nhận được cái hay cái đẹp ấy thì người giáo viên (GV) phải lựa chọn cho mình một cách truyền thụ sao cho có hiệu quả nhất. Theo cách dạy học truyền thống từ trước đến nay, người GV giữ vai trò chủ đạo cung cấp kiến thức phải làm việc liên tục, còn HS chủ yếu lắng nghe và ghi chép nhiều, ít hoạt động. Còn theo cách dạy học hiện đại HS chính là trung tâm, là đối tượng chủ yếu các hoạt động dạy và học, GV chỉ hướng dẫn gợi mở để các em tự trao đổi, bàn thảo để đưa ra những ý kiến trong giờ học nên việc ghi bảng cũng không quá nhiều. GV không còn sử dụng phương pháp đọc - chép như trước mà chỉ chốt lại những kiến thức quan trọng trong SGK. Một trong những cách làm đó là người dạy phải biết ứng dụng CNTT vào bài giảng trình chiếu. Ngoài những đề mục chính GV đưa thêm nhiều tranh ảnh, tư liệu minh họa có hiệu quả nhất. HS hiểu bài và luôn hứng thú trong giờ học. Ngoài ra các em còn được thảo luận, trình bày ý kiến riêng của mình thông qua sự hướng dẫn của GV.
Trong quá trình soạn giáo án, GV phải chuẩn bị công phu hơn về nội dung. Đặc biệt để giờ học sinh động, tiết học không thể thiếu các hình ảnh sưu tầm tư liệu, các đoạn phim bằng tiện ích phần mềm Powerpoint. Sau khi thiết kế được bài dạy trên máy vi tính, GV có thể dạy thử ở một số lớp, từ đó các tổ, nhóm chuyên môn đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn giáo án.
Yêu cầu bài dạy ở phần đọc - tìm hiểu chú thích, GV không cần phải đọc lại như trong SGK mà cho HS tận dụng SGK để ghi nhớ những sự kiện quan trọng về kiến thức tác giả, tác phẩm (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách nhà văn…). GV cho các em tự tìm hiểu và gạch chân trong SGK mà không cần ghi bảng nhiều như trước đây. Phần đọc - tìm hiểu văn bản, GV hướng dẫn HS tìm hiểu văn bản bằng hệ thống câu hỏi gợi mở đơn giản, nhẹ nhàng. Ở đây ngoài thuyết trình và phân tích, GV có thể trình chiếu những hình ảnh, đoạn phim tư liệu, bài hát minh họa sinh động, vừa phải phù hợp với nội dung bài văn. Tuy nhiên cần tránh lạm dụng quá nhiều làm cho nội dung bài giảng bị lấn át, khó khắc họa kiến thức trọng tâm cho các em. Đây cũng là phần GV nên cho các em hoạt động theo nhóm, cùng trao đổi những câu hỏi GV đưa ra. Chính phần thảo luận này hạn chế được tình trạng đọc - chép xưa nay, tạo hứng thú cho các em trong khi tiếp nhận tri thức và lớp học không còn thụ động như trước đây.
Ở phần tổng kết, thông qua phần học trước, GV chỉ cần hướng dẫn cho các em biết đúc kết khái quát những ý chính về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Cũng nên dành ít thời gian cho các em trao đổi thảo luận và sau đó đưa ra ý kiến cuối cùng. GV tiếp tục đặt thêm câu hỏi ở phần liên hệ giáo dục HS qua bài học, gợi mở các em những vấn đề về nhân sinh quan và thế giới quan. Ngoài sự tích hợp qua bài giảng, GV không nên gán ghép, áp đặt mà phải tôn trọng ý kiến phát biểu, cảm nhận riêng của HS - có khi cảm nhận đó chưa gần lắm với cách đánh giá của GV.
Nếu thực hiện được như vậy thì rõ ràng người GV không lạm dụng CNTT mà chỉ xem nó là phương tiện để thay thế cho việc sử dụng những tranh ảnh, bảng phụ lỉnh kỉnh, cồng kềnh. Bằng mọi cách phải làm cho giờ dạy của GV và giờ học của HS thêm nhẹ nhàng nhưng hiệu quả cao.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
(GV Trường THCS Cửu Long, Q. Bình Thạnh)

Làm thay đổi nhận thức của người thầy

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu tiếp nhận thông tin của HS càng đa dạng và phong phú hơn. Chính vì vậy, người GV phải tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp sao cho vừa gây hứng thú cho các em, vừa giúp các em nắm kiến thức một cách khoa học, hiệu quả nhất. Sự thay đổi căn bản nhất, dễ thấy nhất là thay đổi phương pháp giảng dạy bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn hơn. Đó là dùng phương pháp học nhóm, phương pháp thảo luận, hay dạy học cá thể, dạy theo trạm để giúp từng đối tượng HS nắm kiến thức theo trình độ của các em, tránh sự nhàm chán. Bên cạnh đó, việc áp dụng CNTT trong quá trình cung cấp kiến thức mới cũng là một phương pháp mang tính đột phá trong những năm gần đây. Phương pháp này đã giúp cho người GV kiểm soát được lượng thông tin, kiến thức trước khi cung cấp cho HS. Như vậy, nếu áp dụng một trong những phương pháp mới này, chúng ta đã không còn thấy hình ảnh của người thầy đi đi lại lại để đọc bài cho HS chép vào vở từng câu, từng chữ.
Ở một góc độ khác, để phương pháp dạy truyền thống “thầy đọc - trò chép” không còn “chỗ đứng”, theo tôi, ngành GD-ĐT phải làm thay đổi nhận thức của người thầy - muốn có được hiệu suất đào tạo tốt, người GV phải thay đổi cách nhận thức. Nhận thức từ thực tiễn, từ bối cảnh xã hội và phải hiểu được đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của HS. Thay đổi như vậy để GV tìm ra được những phương pháp giảng dạy tích cực. Hãy xóa bỏ đi cách dạy cũ đọc - chép vì phương pháp này đã không còn phù hợp với cách nhận thức của người học, không phát huy tính tích cực, chủ động tiếp nhận thông tin của người học.
Trần Minh (Q.3)