Thứ hai, 13/10/2008, 14h25

Giáo dục đức tính cần cù, tiết kiệm qua tục ngữ, ca dao

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Từ ngàn xưa dân tộc Việt Nam đã có những truyền thống tốt đẹp trong chặng đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một trong những truyền thống đó là tinh thần cần cù lao động và ý thức tiết kiệm của cha ông ta xưa.

Trước hết cần khẳng định rằng: con người Việt Nam rất rộng rãi, hiếu khách. Khi nhà có khách thì “Khách tới nhà không gà cũng vịt” và luôn tiếp đãi ân cần, luôn làm vui lòng bạn, lòng khách theo tinh thần “mình ăn thì mất, khách ăn thì còn”. “Còn” ở đây là còn tình còn nghĩa đọng lại, lưu lại trong lòng khách!

Nhưng người xưa qua những câu tục ngữ, ca dao đã bày tỏ ý kiến của mình về đức tính rất quý báu của người lao động. Đó là đức tính cần cù, chịu khó, chịu khổ trong lao động và ý thức tiết kiệm trong cuộc sống thường ngày.

Đối với mỗi người, lao động là điều phải làm vì có lao động mới có lúa, ngô, khoai và tất cả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Không thể ở không bởi “nhàn cư vi bất thiện”. Vì thế, người xưa nhắc nhở “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho” hoặc “Thế gian chuộng của, chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”.

Nếu trong xóm làng có những kẻ biếng lười, người xưa cũng phê phán nhằm thức tỉnh họ: “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác/ Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”. Muốn lao động tốt thì cần có sức khỏe và nếu có một sức khỏe dồi dào thì việc làm giàu nằm trong tầm tay “Chẳng ốm chẳng đau làm giàu mấy chốc”. Song song đó, điều kiện cần thiết là phải có nghề, tinh thông nghề mới có cơ sở làm ăn lâu dài “Một nghề cho chín hơn chín mười nghề” hoặc “Của rề rề không bằng nghề trong tay”. Đúng vậy, nếu có cả một núi của thì ăn hoài cũng hết nhưng có được một nghề thì sống suốt đời. Các làng nghề nổi tiếng ngày xưa như nghề đúc đồng, nghề làm đồ gỗ, nghề chạm khắc, nghề làm đồ gốm, nghề làm bánh… đã chứng minh điều đó.

Biết lo toan trong lao động, trong cuộc sống sẽ giúp con người chủ động trước hoàn cảnh đưa tới “một người lo bằng kho người làm”. Sự lo lắng, tính toán không lúc nào ngơi nghỉ bởi “Làm người ăn tối lo mai/ Việc mình hồ dễ để ai đo lường?” hoặc “Năm canh thì ngủ lấy ba/ Hai canh lo lắng việc nhà làm ăn”. Đức tính cần cù được đúc kết bằng câu tục ngữ ngắn gọn, trải mấy ngàn năm vẫn còn giá trị với thời gian “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” ! Bốn yếu tố này luôn đi liền với nhau thì mùa màng sẽ bội thu, no ấm… Vì có chữ “cần” nên dẫu thời tiết thay đổi nhưng người lao động vẫn tự tin “Tua rua thì mặc tua rua/ Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền”.

Mặc dù ngày xưa người lao động đều tin  “do trời, ơn trời” nhưng trước hết họ tin ở bản thân mình: cần cù, chịu khó sẽ có ngày no ấm “Ơn trời mưa nắng phải thì/ Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu/ Công lênh chẳng quản bao lâu/ Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng/ Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/ Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu”.

Bên cạnh đó là đức tính tiết kiệm của người lao động ngày xưa. Bởi làm ra hạt gạo không phải là một điều đơn giản mà trong từng hạt gạo luôn thấm đẫm những giọt mồ hôi (“Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”…). Vì thế, người xưa quan niệm sống phải tiết kiệm, phòng khi mùa màng thất bát, bão lụt, thiên tai “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng?”. Trong cuộc sống hàng ngày, họ không bao giờ “ăn xổi ở thì” hoặc”vung tay quá trán” mà luôn tâm niệm phải cẩn thận “Liệu cơm gắp mắm”.

Trong sinh hoạt hàng ngày, họ dè xẻn không có nghĩa là hà tiện mà là tiêu xài vừa đủ để được bền lâu “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”.

Người lao động bằng kinh nghiệm trải qua nhiều thế hệ, đã đúc kết những câu tục ngữ rất chí lý về tinh thần tiết kiệm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là hình ảnh “ kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Loài kiến bé xíu nhưng bù lại, đó là loài côn trùng bậc thầy về sự cần cù, khéo léo nên kiến chẳng đói bao giờ! Hoặc các câu như “tích tiểu thành đại” và “Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói” cũng thể hiện sự khuyên nhủ về tinh thần tiết kiệm; không theo kiểu “nghèo mà chơi sang, chơi nổi”. Tiết kiệm từ việc nhỏ, tích trữ lâu ngày sẽ có món lớn hơn. Từ đó, con  người cũng quý trọng hơn, cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng tiền bạc, vật chất do mình tạo ra, do mình tiết kiệm được (Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm)!

Mặt khác, người xưa cũng phê phán những kẻ chỉ biết hưởng thụ thành quả do người khác tạo ra “Của đời ông, ăn không cũng hết”  hoặc “Miệng ăn núi lở”. Quả vậy, dù có một “núi của” nhưng ngồi không chỉ biết “ăn” thì sớm muộn gì trong nhà sẽ không còn một cắc!

Học tập đức tính cần cù, tiết kiệm là học cách sống của cha ông ta xưa. Những phẩm chất đó đã tạo nên hình ảnh con người Việt Nam cần cù, yêu lao động và sống tiết kiệm trong khả năng, điều kiện của mình.

Lối sống thực dụng, sống xa hoa, lãng phí hoàn toàn xa lạ với cách sống giản dị của con người Việt Nam. Đọc những dòng tục ngữ, ca dao của người xưa; chúng ta càng trân trọng cha ông xưa đã để lại cho đời sau nhiều bài học quý giá. Sống giản dị, tiết kiệm; sống lao động cần cù; sống bằng sức lao động của chính bản thân là cách sống đẹp, sống có nhân cách cao cả.

LÊ ĐỨC ĐỒNG (Sóc Trăng)