Thứ bảy, 12/9/2009, 10h09

Hiện trạng phân luồng học sinh sau THPT: Lãng phí

Hàng năm có khoảng 400.000 học sinh trượt tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp THPT nhưng không tiếp tục đi học. Theo Bộ GD&ĐT, việc không thu hút được những em này đi học nghề từ sớm hơn là một lãng phí lớn cho xã hội và bản thân gia đình các em.

Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đổ xô thi đại học (ảnh chụp sau giờ thi đại học 2009). Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hàng năm khoảng 70 phần trăm trong số hơn 1,4 triệu học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học THPT.
Tuy nhiên, số còn lại chỉ rất ít (khoảng 4,5 phần trăm) tiếp tục theo học tại các cơ sở dạy nghề và các trường trung cấp chuyên nghiệp.
Khoảng 7,5 phần trăm theo học bổ túc THPT. Số còn lại, 18 phần trăm, không tiếp tục theo học bất kỳ loại hình giáo dục, đào tạo nào.
Nhiều nơi (Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình) có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không theo học tiếp cao hơn nhiều so với bình quân cả nước và tỉ lệ này có xu hướng tăng dần trong nhiều năm gần đây.
Tình trạng phân luồng sau THPT không khá hơn. Học sinh tốt nghiệp THPT thường dự thi ĐH, CĐ, nếu không đỗ thì một bộ phận tiếp tục ôn tập chờ năm sau thi lại, một bộ phận thì quay sang học trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề.
Tính bình quân, hàng năm, cứ 100 học sinh tốt nghiệp THPT có 44 em đi học ĐH, CĐ và 30 em học trung cấp chuyên nghiệp. Số còn lại học nghề hoặc không học tiếp.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp THPT với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp THPT hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 em. “Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Vinh nói.
Phân tích kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ của tám năm nay, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT đưa ra một minh chứng khác về sự lãng phí do công tác phân luồng kém mang lại.
Theo ông Ngọc, Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước có phổ điểm hình parabon (một nửa thí sinh có điểm từ trung bình trở lên). Còn tất cả các địa phương khác, phổ điểm đều có đỉnh lệch sang bên trái (số thí sinh đạt điểm dưới trung bình quá nửa). Thậm chí, có những trường THPT đa số học sinh chỉ đạt 3 – 4 điểm/ 30 điểm.
Ông Ngọc đặt vấn đề: “Hiện tượng này cho thấy, có một số lớn học sinh học nhầm chỗ. Thay vì ngồi ba năm trong trường THPT trong khi khả năng học tập hạn chế, những em này cần được học nghề sớm hơn. Điều đó sẽ tránh lãng phí về thời gian, về tiền của cho xã hội và cho gia đình cũng như chính bản thân các em”.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng phân tích sự lãng phí từ một góc nhìn khác: “Nhiều em tốt nghiệp ĐH nhưng không kiếm được việc làm phù hợp với nghề và trình độ đào tạo, phải làm việc khác, phải đào tạo lại.
Ngoài ra, hướng nghiệp kém khiến đa số học sinh học đến lớp 12 rồi vẫn không xác định được nghề nghiệp phù hợp với mình. Em nào cũng nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, đa số nộp nhiều hồ sơ vào nhiều trường khác nhau. Đến ngày thi thì phải bỏ hết, chỉ thi được một trường. Nhiều em đi thi cho vui, điểm thi không cao. Tất cả những biểu hiện này đều gây sự lãng phí lớn”.
Cơ chế nào điều chỉnh phân luồng hợp lý?
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội), bất kỳ một thị trường lao động nào thì cơ cấu lao động cũng 85 - 90/ 10 - 15. Trong đó 85 – 90 phần trăm là lao động trực tiếp sản xuất, còn 10 – 15 phần trăm là lao động gián tiếp.
Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ quản lý ngày càng hiện đại, lực lượng lao động gián tiếp ngày càng giảm. Do đó, nếu thực trạng phân luồng yếu kém như hiện nay kéo dài, bài toán đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu xã hội càng không thể có đáp số.
Ông Sâm đưa ra một ví dụ nhằm giải thích vì sao vấn đề phân luồng ở các nước phát triển được giải quyết rất tốt: “Ở Mỹ, một thanh niên học nghề điện trong 24 tháng, ra trường là có việc làm ngay với mức thù lao 25 USD/ giờ. Trong một năm, với 1.800 giờ lao động, thu nhập của một người làm nghề điện đạt từ 40 đến 45 nghìn USD.
Trong khi đó, một thanh niên ở Mỹ nếu theo học đại học và sau đại học sẽ mất 8 năm. Với bằng tiến sĩ, khi ra trường, họ sẽ khó kiếm việc làm hơn một người có nghề điện và thu nhập cũng chỉ ở mức 45.000 USD/ năm”.
Ông Sâm đúc kết: “Chính sách trả lương là một trong những chính sách tác động mạnh đến việc phân luồng”.
Còn ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, để thay đổi tình hình, công tác hướng nghiệp cần được làm rốt ráo như chương trình phổ cập giáo dục, xoá mù chữ. Chính phủ cần lập một ban chỉ đạo về công tác hướng nghiệp và giao chỉ tiêu cho từng địa phương, tới tận từng phường/ xã.
Nếu như trong công tác phổ cập, các phường/xã đều có danh sách trẻ em trong độ tuổi đi học thì với hướng nghiệp, họ cũng phải có danh sách từng thanh niên trong độ tuổi cần đào tạo nghề.
Qua đó, những ai còn đi học/ thôi học, có học nghề, học trong các trường chuyên nghiệp hay không..., chính quyền phường xã phải nắm bắt được và có chương trình vận động thanh niên đi học.v.v...
Ngoài ra, nhiều giải pháp khác được các đại biểu hiến kế như nâng cao chất lượng giáo viên hướng nghiệp trong nhà trường, đưa chương trình trung cấp nghề quản lý nhà nước vào các trường phổ thông dân tộc nội trú (để những học sinh này khi tốt nghiệp THPT có thể về tham gia làm cán bộ xã ngay)...
Gắn trách nhiệm hướng nghiệp cho doanh nghiệp
Ngày 11/9, tại sáu đầu cầu Thái Nguyên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vấn đề hướng nghiệp và phát triển đào tạo nghề (mà phân luồng chỉ là một công đoạn) sẽ tiếp tục được Chính phủ cùng các tổ chức xã hội, đoàn thể nghiên cứu để tìm giải pháp tháo gỡ.
Một trong các giải pháp được ông Nguyễn Thiện Nhân cho là sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hướng nghiệp và đào tạo nghề nghiệp là gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với lĩnh vực này.
Song song với giải pháp này, việc đào tạo theo địa chỉ sẽ là một xu hướng được ưu tiên và nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi với nơi nào đào tạo ít nhất 30 phần trăm theo địa chỉ.
 Quý Hiên (TPO)