Thứ tư, 2/12/2009, 15h12

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Những bất cập trong công tác quản lý nhà trường

Hiệu trưởng có quá ít thời gian để lo chuyên môn vì phải họp hành nhiều (ảnh có tính minh họa)

Lãnh đạo một ngôi trường có cả trăm giáo viên và vài ngàn học sinh nên hiệu trưởng có trách nhiệm lớn trong việc điều hành các công việc, kế hoạch của nhà trường. Tuy nhiên do cơ chế bất cập và nhất là những thủ tục hành chính như hội họp, sổ sách báo cáo… đã làm khổ hiệu trưởng, không có cách nào thoát ra “vòng vây” đó.
Những trăn trở…
Trong nhà trường có ba việc mà hiệu trưởng phải điều hành một cách đồng bộ là: giảng dạy - học tập, xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đời sống giáo viên. Trước việc đổi mới về quản lý và phương pháp giảng dạy, ban giám hiệu các trường không thể giậm chân tại chỗ mà phải thường xuyên năng động sáng tạo để thúc đẩy phong trào dạy tốt học tốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế quản lý hiện nay nhất là việc đánh giá, kiểm tra chất lượng học tập chưa theo kịp bước nhảy của đổi mới phương pháp dạy học. Dù phương pháp dạy học tích cực đã được triển khai và thực hiện từ nhiều năm nay nhưng khâu đánh giá, kiểm tra vẫn “mặc chiếc áo cũ kỹ” không còn phù hợp với đổi mới. Những bài kiểm tra, đề thi tốt nghiệp “không biết đến sự đổi mới” không chỉ đem lại kết quả thấp kém cho người học mà còn là vật cản cho sự đổi mới về phương pháp giảng dạy. Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 (TP.HCM) đưa ra ví dụ, học ngoại ngữ các em phải thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng đề thi tốt nghiệp thường chỉ “quan tâm” đến kỹ năng viết còn các kỹ năng khác thì lại bỏ quên. Như vậy, nếu dạy kỹ năng nói tốt thì chưa chắc đã thi đậu vì thế giáo viên lại quay sang dạy kỹ năng viết để đảm bảo độ an toàn cho học sinh khi bước vào phòng thi. Với mục tiêu đào tạo con người toàn diện, ngoài việc truyền thụ tri thức nhà trường phải dạy thêm kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng làm được vì quỹ thời gian không có, chưa nói đến điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường chật chội, phòng học xập xệ, đồ dùng dạy học thiếu… thì không thể nói đến chuyện nâng cao chất lượng hay đổi mới phương pháp dạy học. Các trường ở nội thành chịu áp lực rất lớn về sĩ số học sinh, cần phải tăng cường cơ sở vật chất nhưng phòng ốc lại thiếu. Hiệu trưởng nào cũng ao ước trường không chỉ đủ phòng học mà còn có thêm thư viện cho các em đọc sách, có phòng lab để học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn để dạy theo giáo án điện tử, phòng vi tính để thực hành môn tin học… Về nhiệm vụ nâng cao đời sống cho giáo viên, không một hiệu trưởng nào không quan tâm tới chuyện này. Cái khó là tìm thêm nguồn thu nhập cho giáo viên nhưng không được chạy theo lợi nhuận, không đặt nặng chuyện kinh doanh lên hàng đầu. Lúc này hiệu trưởng lại khoác chiếc áo của một nhà kinh tế học, một doanh nhân biết “tích tiểu thành đại” lo được “nồi cơm” chung của tập thể để ai cũng yên tâm công tác. Thuận lợi hiện nay là các trường được tự chủ về mặt tài chính nhưng kinh phí chăm lo đời sống cho giáo viên vẫn chưa là bao, mới chỉ là “hạt muối bỏ biển” không tương xứng với công sức của thầy cô bỏ ra. Đây là điều trăn trở thường trực của nhiều hiệu trưởng khi nắm giữ vai trò “người xây tổ ấm cho mọi gia đình”.
…Đến hội họp quá nhiều
“Đầu tuần họp báo cáo thời sự, giữa tuần họp liên tịch, cuối tuần họp giao ban… hiệu trưởng cứ xoay như chong chóng” - một hiệu trưởng đã than như vậy.
Gánh trọng trách nặng nề với nhiều mối quan hệ trong và ngoài trường nên hiệu trưởng luôn phải toàn tâm toàn ý với công việc. Thời gian ở trường của họ nhiều hơn ở nhà. Cô Lê Thị Điệp - nguyên Hiệu trưởng Trường MN Nguyễn Tất Thành (quận 4) nhớ lại: “Hàng ngày tôi phải đến trường từ 6 giờ sáng đến tối, chờ các cô và trẻ về hết tôi mới ra khỏi cổng trường”. Vào trường là có việc vì tất cả đều chờ sự điều hành của “người nhạc trưởng” nên hầu như công việc nào cũng đến tay họ. Không chỉ vùi đầu giải quyết những chuyện nội bộ, phần lớn hiệu trưởng còn dành nhiều thời gian cho chuyện họp hành. Các cuộc họp trong trường thường do hiệu trưởng chủ trì, các cuộc họp ở phòng GD-ĐT hay ở sở GD-ĐT đều không thể vắng mặt hiệu trưởng trường phổ thông. Thầy Nguyễn Đình Cường - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa trao đổi: “Theo cơ chế mới hiệu trưởng đồng thời là bí thư chi bộ nên công việc càng nhiều hơn”. Theo thầy Cường, nếu chỉ giữ chức hiệu trưởng không thì được nhưng kiêm luôn công tác Đảng nên quá sức, công việc gần như gấp đôi. Cô Trần Thị Minh Thi - Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hội A (quận 4) tâm sự: “Ngoài họp công tác trong ngành, chúng tôi còn dự rất nhiều cuộc họp khác như họp Đảng, các ban ngành, Hội chữ thập đỏ…”. Trong một tháng với tư cách là bí thư chi bộ, hiệu trưởng các trường còn phải họp giao ban tuyên giáo, họp dân vận, họp tổ chức và kiểm tra. Một quý 3 tháng lại có thêm lịch hội nghị Đảng bộ quận mở rộng, học nghị quyết, nghe báo cáo thời sự… Một hiệu trưởng trường THCS ở Phú Nhuận đưa ra ý kiến: “Làm cán bộ quản lý cần phải có những cuộc họp để phổ biến công tác, nắm nghị quyết, trao đổi tìm ra phương hướng giải quyết. Thế nhưng cũng có những cuộc họp chồng chéo, mất quá nhiều công sức, gây lãng phí thời gian. Phải thường xuyên đi họp nên có ngày cả 3 người trong ban giám hiệu đi hết không còn ai ở lại trực lãnh đạo nữa”.
 
Một nữ hiệu trưởng trường tiểu học ở quận 4 nói trong nỗi niềm chua chát: “Chúng tôi không chỉ là nạn nhân mà còn trở thành thủ phạm của nạn hội họp khi về phổ biến chỉ thị cho cơ sở”.
Phan Ngọc Quang

Chuẩn hóa trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý giáo dục: Tổ chức các lớp bồi dưỡng 15.000 hiệu trưởng trường phổ thông giai đoạn 2008-2010 theo đề án hợp tác với Singapore. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các hiệu trưởng trường tiểu học nội dung “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Triển khai đánh giá hiệu trưởng trường phổ thông thông qua ý kiến giáo viên.

BoxP.V (Nguồn Bộ GD-ĐT)