Thứ hai, 4/4/2011, 15h04

Quản lý trường theo mô hình dạy học tích cực

GV Trường TH Lê Lai hướng dẫn HS thảo luận nhóm trong giờ học (hình do trường cung cấp)
Thực tế cho thấy, hoạt động của nhà trường có đi vào kỷ cương, nền nếp, ổn định… hay không chính là nhờ vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý trường học. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến việc xây dựng một vài giải pháp quản lý nhà trường theo hướng dạy học tích cực trong trường tiểu học ở TP.HCM.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS. Trần Hồng Quân đã viết: Muốn đào tạo được con người khi vào đời là con người tự chủ năng động và sáng tạo, thì phương pháp giáo dục, mô hình đào tạo cũng phải hướng đến việc khơi dậy, rèn luyện và phát triển khả năng nghĩ và làm một cách tự chủ, năng động và sáng tạo trong lao động học ở nhà trường. Mô hình nói trên, trong khoa học giáo dục thuộc về các mô hình dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm.
1. Mô hình dạy học, trong điều kiện xã hội hiện đại - đổi mới hiện nay là dành cho mọi người, ai cũng được học hành. Quá trình dạy học về mục đích, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học phải phù hợp với sự phát triển năng lực nhận thức của học sinh (HS). Năng lực nhận thức phát triển thúc đẩy HS trở thành chủ thể tích cực của quá trình dạy học hiện đại. Trang bị cho người học những tri thức hành dụng. Ngoài ra, trong nhà trường hiện đại, HS luôn có xu hướng muốn vượt ra khỏi nội dung do chương trình qui định, đó là biểu hiện của tính tích cực nhận thức của HS trong những điều kiện mới của xã hội. Là con người tự chủ, năng động, sáng tạo, có kiến thức văn hóa, khoa học công nghệ, có kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề, có kĩ năng nghề nghiệp, có sức khỏe, có đạo đức, có năng lực tự học và thói quen tự học suốt đời, có khả năng thích ứng với những thay đổi của thời đại. Dạy học tích cực là sự kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, trình độ nhận thức của HS và điều kiện thực tế để đạt được mục tiêu của bài học. Trong đó có những phương pháp dạy học quen thuộc như: dùng lời, trực quan, minh họa, vấn đáp, thảo luận nhóm, dạy học nêu và giải quyết vấn đề, trò chơi, động não thực hành, thí nghiệm và một số phương pháp có tên gọi mới hiện tại đang được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như: học theo góc, học theo hợp đồng, học theo dự án…
2. Những giải pháp quản lý nhà trường theo hướng dạy học tích cực tại trường tiểu học. Thứ nhất là giải pháp quản lý về công tác nhận thức, tư tưởng của cán bộ, GV và phụ huynh HS: Tác động tâm lý đội ngũ bằng cách tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng mỗi GV, từ đó, phân loại trình độ, năng lực của đội ngũ để đặt ra những yêu cầu, mục tiêu phấn đấu phù hợp với các đối tượng khác nhau trong từng giai đoạn nhất định, giúp GV vượt qua khó khăn cũng như kích thích sự sáng tạo, đổi mới tư duy... Quán triệt tinh thần đổi mới cách dạy và học, đổi mới cách đánh giá, thi cử đến từng phụ huynh, giúp họ hiểu rõ học để ứng dụng, thực hành chứ không học vì điểm số, thành tích… Thứ hai là giải pháp quản lý thực hiện kế hoạch chiến lược về xây dựng, quản lý nhà trường theo mô hình dạy học tích cực: cần coi trọng vị trí của lập kế hoạch và kế hoạch chiến lược. Tránh việc lập kế hoạch trong nội bộ ban giám hiệu mà không có sự tham gia của nhiều GV chủ chốt, tổ trưởng chuyên môn, đại diện phụ huynh, lãnh đạo ngành để tận dụng hết trí tuệ của lực lượng này, tạo được sự cam kết của họ với bản kế hoạch được xây dựng. Đồng thời, để tồn tại trong môi trường có nhiều thay đổi, nhà trường cần tiến hành việc quản lý chiến lược. Đây thực chất là quá trình định hướng nhà trường theo mục tiêu dài hạn, tìm kiếm các chiến lược phù hợp với điều kiện bên trong và bên ngoài và đưa nhà trường đến các mục tiêu đó bằng các hoạt động thực thi chiến lược. Thứ ba là giải pháp quản lý xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, GV: mời chuyên gia trong nước và nước ngoài tập huấn về mô hình giáo dục theo hướng dạy học tích cực, cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực, chuyên đề về sử dụng đồ dùng dạy học theo hướng dạy học đổi mới, tư vấn tâm lý lứa tuổi tiểu học, xây dựng lớp học tích cực, môi trường thân thiện, ứng dụng tin học thiết kế bài dạy, tích hợp CNTT trong giảng dạy, sử dụng các chương trình phần mềm vi tính phục vụ giảng dạy và cập nhật thông tin qua mạng. Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên môi trường học tập thân thiện, HS tích cực là: GV sử dụng có hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học mới - phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm. GV có thể hướng dẫn HS thảo luận nhóm, đóng vai, tham gia trò chơi học tập… nhằm mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo cơ hội cho HS tham gia tích cực chủ động, sáng tạo vào quá trình học tập. Cải tiến cách tổ chức hội thi GV giỏi với nhiều thành phần ban giám khảo để tác động nhận thức GV từ nhiều góc độ nhận xét khác nhau của các thành viên ban giám khảo là chuyên gia, ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, kể cả thành viên là GV nhằm tăng cường khả năng tự đánh giá và đánh giá đồng nghiệp của từng GV. Thứ tư là giải pháp quản lý việc nâng cao đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học để thực hiện tốt việc quản lý nhà trường theo mô hình dạy học tích cực: chú ý huy động nguồn vốn vay có hiệu quả, “lấy thu bù chi” tạo điều kiện mở mang, phát triển nhiều loại hình học tập ngoại ngữ, tin học, đàn, hội họa… cho mọi đối tượng HS. Cần trang bị các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà trường, trang bị máy tính cho GV soạn giảng và truy cập tư liệu qua mạng internet… Thứ năm là giải pháp quản lý công tác động viên, khuyến khích, kiểm tra, đánh giá kết quả công tác quản lý nhà trường theo mô hình dạy học tích cực: thành lập ban kiểm tra chuyên môn gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, GV giỏi, thanh tra nhân dân, qui định rõ trách nhiệm và quyền hạn của ban kiểm tra các thành viên. Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần kiểm tra, yêu cầu GV tự nhận xét, đánh giá trước khi ban kiểm tra đánh giá...
3. Mỗi giải pháp đều có những thế mạnh và vị trí cần thiết trong quá trình quản lý mô hình giáo dục, giải pháp này thúc đẩy sự phát triển của giải pháp kia và ngược lại. Trước hết, giải pháp 1 nhằm tác động lên nhận thức, có ý nghĩa quyết định toàn bộ thái độ và hành động của mọi người để đạt được mục tiêu nắm vững quan điểm dạy học theo hướng tích cực sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận với xu thế đổi mới giáo dục. Giải pháp 2, 3 và 4 có ý nghĩa thực tiễn quan trọng để thực hiện mô hình dạy học tích cực vì lập kế hoạch chiến lược, phương pháp dạy và học, cơ sở vật chất là những yếu tố không thể thiếu để thực hiện mô hình giáo dục tích cực. Giải pháp 5 nhằm theo dõi các mục tiêu đã thực hiện đến đâu, thực hiện như thế nào? Cần uốn nắn và đôn đốc giúp GV khắc phục khó khăn, việc kiểm tra GV còn giúp GV biết tự đánh giá, điều chỉnh; đồng thời tuyên dương, khen thưởng là động lực thúc đẩy GV thực hiện tốt hơn công tác dạy và học.
Như vậy, các giải pháp đều có tác động qua lại và hỗ trợ nhau. Do đó, muốn phát huy được sức mạnh của các giải pháp trên cần có sự liên kết hỗ trợ giữa các giải pháp. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tùy điều kiện thực tế của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ… mà mỗi biện pháp giữ vai trò quyết định cao hơn các giải pháp khác.
ThS. Nguyễn Vũ Ly
(Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai, Q.Tân Phú)

Dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn để chỉ những phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học - kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp dạy học phù hợp với nội dung, trình độ nhận thức của HS và điều kiện thực tế để đạt được mục tiêu của bài học.