Thứ năm, 22/7/2010, 15h07

Tuyển dụng giáo viên các trường ở Hà Nội: Xét tuyển được ủng hộ

Trong tháng 8-2010, Hà Nội sẽ tuyển thêm gần 500 giáo viên (GV) giảng dạy tại các trường THPT, TCCN, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, giáo dục thường xuyên quận, huyện, thị xã. Điểm mới của kỳ tuyển dụng năm nay là phương thức tuyển dụng dự kiến sẽ thay đổi từ thi tuyển sang xét tuyển. Đây được coi là "phương thuốc" có thể chữa trị được phần lớn điểm yếu trong công tác tuyển dụng hiện nay.

Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển giáo viên cho các trường sẽ góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển dụng hiện nay. Ảnh: Thu Giang
Trao quyền tự chủ cho thủ trưởng đơn vị
Đây là năm thứ hai sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội áp dụng chung một nội dung và hình thức tuyển dụng GV cho các trường trực thuộc ở các địa bàn. Việc thay đổi phương thức tuyển dụng (từ thi tuyển sang xét tuyển) không làm hiệu trưởng các nhà trường băn khoăn nhiều, nhất là với các trường ở khu vực mới hợp nhất, bởi họ được phân cấp triệt để trong tổ chức tuyển dụng, mỗi đơn vị tuyển dụng là một hội đồng riêng (trước kia, Hà Tây thành lập một hội đồng tuyển dụng chung cho cả ngành) và thủ trưởng đơn vị chính là chủ tịch hội đồng tuyển dụng.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Có ý kiến cho rằng việc tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển sẽ không phản ánh hết năng lực thực tế của thí sinh (TS); ngữ điệu, giọng nói do ảnh hưởng từ tiếng địa phương của TS sẽ khó bị loại bỏ; lại có người còn e ngại về chất lượng đào tạo chưa đồng đều giữa các trường sư phạm. Tuy nhiên, thực tế tổ chức thi tuyển cũng bộc lộ nhiều hạn chế: việc chấm điểm còn thiếu khách quan, theo "địa chỉ" hoặc thiên vị đối với các TS đang làm hợp đồng. Phần thi giảng trên lớp và phỏng vấn không có cơ chế phúc khảo đã vô hình trung loại bỏ những TS tự do có đủ năng lực và trình độ giảng dạy. Đã có hiện tượng điểm bài thi phỏng vấn của TS hệ tại chức rất cao, bài thi của TS tốt nghiệp hệ chính quy lại thấp. Điều này phản ánh hiện tượng bất bình thường trong việc thi tuyển, đặc biệt đối với ngành sư phạm vốn khá nhạy cảm với dư luận xã hội.
Theo ý kiến của hầu hết các hiệu trưởng nhà trường, việc tuyển dụng thông qua xét tuyển có 4 ưu điểm: Vì xét tuyển là thông qua hồ sơ, bảng điểm của TS nên kết quả "tĩnh"; tổ chức gọn gàng; tiết kiệm về kinh phí, thời gian và số lượng người tham gia; ít gây băn khoăn. Việc tác động của yếu tố "bên ngoài" tới kết quả xét tuyển khó khăn, những biểu hiện tiêu cực nảy sinh cũng bị hạn chế nên kết quả xét tuyển sẽ bảo đảm tính khách quan, công bằng hơn giữa các TS dự thi. Với cách thức này, các trường sẽ tuyển bổ sung được những người được đào tạo bài bản ở các trường, khoa sư phạm và có kết quả học tập tốt.
"Lọc" người tài bằng cách nào?
Một trong những yêu cầu bắt buộc về điều kiện để được dự tuyển GV (trừ GV giáo dục quốc phòng - an ninh) năm nay là TS phải tốt nghiệp hệ chính quy các trường ĐH sư phạm, khoa sư phạm của các trường ĐH hoặc tốt nghiệp ĐH hệ chính quy các trường công lập đúng chuyên ngành đăng ký dự tuyển và phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (trước kia cho phép cả những TS tốt nghiệp các hệ đào tạo như tại chức, từ xa… được đăng ký tuyển dụng). Đây không chỉ là một bước sàng lọc chất lượng và sơ tuyển đầu vào có hiệu quả trước khi tuyển dụng mà còn là cơ sở để ngành GD-ĐT từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Theo ý kiến của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, những hạn chế của hình thức xét tuyển như đã nêu ở trên có thể được khắc phục bởi quy định mới của ngành là sau khi trúng tuyển, TS phải trải qua thời gian thử việc 1 năm. Trong thời gian này, nếu TS trúng tuyển không hoàn thành nhiệm vụ (do năng lực, trình độ chuyên môn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc…) thì đơn vị sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động và sẽ không được xem xét để cơ quan thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm ngạch chính thức. Với các cơ chế sát hạch chất lượng viên chức của hiệu trưởng đơn vị sử dụng viên chức trong thời gian tập sự, hợp đồng làm việc của ngành, việc tuyển dụng GV thông qua phương thức xét tuyển là phù hợp hơn cả trong giai đoạn hiện nay. Rõ ràng là với việc được trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm thì hiệu trưởng nào có ý định tiêu cực hoặc tuyển bừa khó thể thực hiện, những TS đã trúng tuyển còn hạn chế về năng lực, trình độ cũng sẽ bị đào thải. Đây cũng là cơ chế để các TS đã trúng tuyển phải không ngừng tìm tòi, nỗ lực trong từng giờ lên lớp, dần hoàn thiện mình về mọi mặt để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Thống Nhất / Hà Nội mới