Chủ nhật, 27/10/2013, 23h10

Văn hay nhờ cảm xúc

Những lúc rảnh, Thanh Trúc thường vào thư viện đọc sách để có vốn từ phong phú
Không có cảm xúc, không có vốn từ phong phú thì khó làm được những bài văn hay gây xúc động lòng  người... Đó là nhận định của các em học sinh đạt giải cao tại cuộc thi “Văn hay chữ tốt” năm 2013 do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức.
Viết văn cần chân thực
Vừa lên lớp 6 nhưng những bài văn của em Hồ Hồng Thanh Trúc (học sinh lớp 6/8, Trường THCS Minh Đức, Q.1) được nhiều giáo viên đánh giá là viết có cảm xúc, lay động lòng người. Cũng nhờ cách viết chân thực, cảm động này mà Thanh Trúc đã đạt giải nhất cấp thành phố cuộc thi “Văn hay chữ tốt” năm 2013dành cho học sinh khối lớp 6 và 7.
Đề thi nói về công lao của cha mẹ dành cho con cái nên Thanh Trúc cảm thấy rất gần gũi với cuộc sống của mình. Bố Thanh Trúc là thợ điện, mẹ trước đây làm kế toán cho một công ty nhưng phải chăm sóc ba đứa con nên không có nhiều thời gian, đành xin nghỉ việc. Em của Thanh Trúc mắc chứng bệnh chậm phát triển, nên dù bố mẹ khổ thế nào cũng cố gắng chăm sóc thật chu đáo để giúp con nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống. Là chị cả trong nhà, Thanh Trúc thấu hiểu những nỗi khổ mà bố mẹ đang gánh nên em làm bài thi bằng tất cả cảm xúc thật của mình. Thanh Trúc chia sẻ: “Em nghĩ, ngoài việc rèn chữ đẹp, viết các câu chữ lưu loát ra thì khi làm văn cần phải viết thật tự nhiên mới tạo được cảm xúc cho người đọc chứ không nên bịa đặt”.
Bên cạnh đó, để đạt giải cao trong kỳ thi này còn là kết quả của quá trình học tập với những phương pháp khá hay của em. Thanh Trúc cho hay: “Em ít đọc sách tham khảo mà chủ yếu là đọc truyện, báo… để trang bị cho mình vốn từ thật phong phú. Khi học một bài văn hay bài thơ, em thường dùng bản đồ tư duy để ghi nhớ sâu hơn nội dung và ý nghĩa nghệ thuật của bài học. Ngoài ra, khi muốn bày tỏ cảm xúc, em thường vẽ tranh và từ những bức tranh này viết ra các dòng chữ. Việc viết nhật ký lúc buồn cũng như lúc vui cũng giúp em rèn luyện chữ viết và cách hành văn rất nhiều”.
Cảm hứng từ cuộc sống

Đoan Nghi (trái) chia sẻ cùng Khánh Vy những câu chuyện hay được rút ra từ các cuốn sách
Giống như Thanh Trúc, viết văn không hề dùng những từ hoa mỹ mà dựa vào cảm xúc thật của mình, đó chính là yếu tố mà Trần Khánh Vy (học sinh lớp 7/1, Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10) nghĩ rằng đã giúp em giành được giải nhì tại cuộc thi năm nay. Khánh Vy cho biết: “Đề thi rất hay, lấy cảm hứng từ cuộc sống, từ những hi sinh vất vả của cha mẹ nên em viết theo đúng mạch cảm xúc của mình và tạo được ấn tượng cho Ban giám khảo. Mẹ em là giáo viên, dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố gắng chăm sóc gia đình thật chu đáo; còn ba thì ngoài giờ làm việc hành chính, tối về còn đi làm thêm để chăm lo cho chúng em ăn học đầy đủ. Đề thi đã giúp em nói lên được những hi sinh thầm lặng của ba mẹ đối với mình cũng như lòng biết ơn sâu sắc của em đối với các đấng sinh thành”.
Ngoài cảm xúc thật xuất phát từ đáy lòng thì cách viết văn hay nhất vẫn là phải có vốn từ ngữ phong phú và cách sắp đặt ý tứ logic. “Để có nhiều vốn từ, em thường xuyên đọc sách và viết nhật ký. Khi học văn, cần có phương pháp tốt, cầm bất cứ đề văn nào cũng cần đọc kỹ và lập dàn ý rõ ràng thì mới làm tốt yêu cầu”, Khánh Vy chia sẻ.
Cùng với Khánh Vy, Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) còn có em Cao Trần Đoan Nghi (học sinh lớp 9/4) cũng đạt giải cao trong cuộc thi lần này. Dù hai năm lớp 6 và 7 không đạt giải cao nhưng sang năm lớp 9, Đoan Nghi tiếp tục tham dự cuộc thi “vì đây là niềm đam mê cũng như em muốn thử sức để có nhiều kinh nghiệm hơn trong các cuộc thi khác”, Đoan Nghi nói.
Đối với khối lớp 8 và 9, đề thi yêu cầu kể chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các em rút ra bài học từ câu chuyện này. Đoan Nghi cho biết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho em và các học sinh khác nhiều bài học sâu sắc về tấm gương trong sáng của ông. Khi mất, ông đã để lại cho hàng triệu triệu người dân Việt Nam nỗi tiếc thương vô cùng. Đề thi này được đưa ra ngay trong những ngày Quốc tang Đại tướng. Nhớ về ông trong các câu chuyện lịch sử được xem trên truyền hình hay thầy cô giáo kể, cảm xúc lại dâng trào nên không chỉ em mà nhiều bạn khác cũng có những bài văn đầy xúc động về Đại tướng”.
Theo Đoan Nghi, để có một bài văn hay, ngoài sự ôn tập của giáo viên trên lớp thì bản thân mỗi học sinh phải tự cố gắng rèn luyện rất nhiều. Đoan Nghi chia sẻ: “Em thường đọc sách, thấy có câu nào hay là viết ra giấy để ghi nhớ. Với học sinh lớp 9, làm văn nghị luận cần có kiến thức xã hội rộng. Khi làm bài phải bám sát vào dàn bài giáo viên đã hướng dẫn, cộng những kiến thức từ sách và từ cuộc sống thì sẽ làm tốt”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Ngoài cảm xúc thật xuất phát từ đáy lòng thì cách viết văn hay nhất vẫn là phải có vốn từ ngữ phong phú và cách sắp đặt ý tứ logic.