Thứ tư, 3/8/2011, 15h08

Việc không chấm câu 3 đề toán ở kỳ thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa: Sự công bằng trong học tập

Qua theo dõi sự việc Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định không chấm điểm câu 3 trong đề thi toán tuyển sinh lớp 6 vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm học 2011-2012, vì sẽ dẫn đến hệ lụy “việc học nâng cao sẽ là sự quá tải gây nặng nề cho các em”. Tôi xin có ý kiến bàn luận xung quanh sự việc này.
Từng là giáo viên dạy toán lớp 6 nhiều năm, sau mỗi lần chấm bài kiểm tra 1 tiết hay 15 phút, đôi khi tôi cũng hay gặp những bài giải của học sinh (HS) giải bằng đại số. Qua tìm hiểu, tôi lại biết thêm rằng, nhiều khi không xuất phát bằng khả năng tự nghiên cứu tìm tòi mà thường là các em được học trước ở các trung tâm hoặc gia sư kèm tại nhà. Điều này đi ngược lại sự mong muốn của giáo viên: ra đề kiểm tra chỉ mong các em áp dụng nhuần nhuyễn kiến thức đã học vào kỹ năng giải toán và như thế đã đáp ứng yêu cầu của bài kiểm tra.
 Một năm học với 35 tuần, chương trình toán lớp 6 có 140 tiết, trong đó số học chiếm hết 111 tiết. Sách giáo khoa toán 6 cũng chỉ yêu cầu HS nghiên cứu tính chất các số và các phép tính về số. Nếu không kể khái niệm về tập hợp ở chương đầu tiên thì toàn bộ chương trình đề cập nhiều đến số nguyên tố, mà số nguyên tố là một trong các vấn đề trung tâm của số học.
Giải những bài toán số học bằng đại số không khác gì dùng công cụ mạnh để làm một việc đơn giản. Tôi hay kể cho HS nghe những mẩu chuyện thú vị về việc con người dùng những dụng cụ thô sơ xây dựng nên những Kim tự tháp ở Ai Cập, cho đến hôm nay, sau nhiều thế kỷ Kim tự tháp vẫn còn. Giải bài toán số học cũng vậy, bằng kiến thức đã học cộng thêm sự tư duy linh hoạt các em sẽ tìm ra. Đó là dấu hiệu đầu tiên của sự phát minh.
Ví dụ, giải bài toán số học sau: “Tìm số gà và chó, biết tổng số là 36 con và tất cả có 100 chân”. Nếu giải bài này bằng đại số sẽ ra kết quả rất nhanh, chỉ cần gọi số gà là x, số chó là y. Khi đó ta có hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn. Nhưng giải bằng số học thì ý nghĩa lý luận sẽ lý thú hơn. Nếu giả sử toàn bộ 36 con là gà sẽ thừa 28 chân, hoặc giả sử toàn bộ 36 con là chó sẽ thiếu 44 chân. Với khả năng tính nhẩm thì hầu như các em đều tìm ra kết quả. Phần lớn HS giải toán thường thích cách giải ngắn gọn nên hay dùng đại số. Hoặc đôi khi vì lý do gì đó nên dùng đại số. Áp dụng đại số để giải những bài toán số học đơn giản, không khác nào các em đã dùng trụ sinh liều cao để chữa những căn bệnh thông thường. Sau này sẽ mắc bệnh lờn thuốc và lệ thuộc vào trụ sinh. Cụ thể là các em sẽ mất khả năng tính nhẩm, thiếu kỹ năng suy luận logic và sẽ phản xạ chậm khi rơi vào tình huống có vấn đề. Nói hơi quá một chút là các em mất căn bản lớp dưới.
Ngoài ý nghĩa từ chối chấm câu 3 đề toán tuyển sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa do thí sinh giải toán bằng kiến thức cao hơn sẽ đưa đến hệ lụy dạy thêm, học thêm tràn lan, theo tôi còn một ý khác mang tính nhân văn đó là sự công bằng trong học tập. Có nhiều em, không được luyện thi, không được học thêm nhưng bằng lối tư duy thô sơ, độc đáo vẫn giải được những bài toán khó thì đó chính là bước đầu của tài năng toán học.
Cần lắm thay cho việc ươm mầm tài năng toán học để đất nước có thêm những nhà toán học thiên tài như giáo sư Ngô Bảo Châu.
Tuệ Hải