Chủ nhật, 20/11/2011, 22h11

Kích thích sự sáng tạo, hứng thú trong học tập

Bản đồ tư duy (BÐTD) là một trong những phương pháp đổi mới cách dạy, cách học của giáo viên, học sinh, nhằm tìm tòi, đào sâu, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, mầu sắc, chữ viết với tư duy tích cực.

Học sinh Trường THCS Thanh Nê ứng dụng bản đồ tư duy vào giờ học. 
BÐTD giúp nhớ lâu và sâu các kiến thức đã học, đặc biệt ghi nhớ sâu sắc mà không sa vào lối học vẹt, thuộc lòng máy móc. Nếu so sánh với phương pháp dạy học truyền thống (chỉ chú trọng đọc, chép) thì dạy học bằng BÐTD góp phần đổi mới căn bản và toàn diện tổ chức hoạt động dạy học, nhất là vận dụng vào dạy học kiến thức mới hoặc hệ thống hóa kiến thức phù hợp với từng đối tượng khác nhau.
 Thái Bình là một tỉnh có truyền thống hiếu học đã áp dụng phương pháp học này. Các em học sinh của tỉnh đã đón nhận một cách hào hứng. Thầy giáo, cô giáo đã tích cực tiếp thu phương pháp học tập mới cùng với các phương pháp học tập khác, góp phần làm giáo dục của Thái Bình phát triển. Nguyễn Ðăng Hiếu, học sinh lớp 9C, Trường THCS Thanh Nê, huyện Kiến Xương chia sẻ khi học BÐTD em nắm chắc được nội dung của bài học hơn và nắm được kiến thức trọng tâm của bài. Em mong muốn bản đồ tư duy được áp dụng vào các môn tự nhiên và tránh tình trạng học vẹt như trước đây. Còn Vũ Thị Vân Anh, học sinh Trường THCS Thanh Nê, huyện Kiến Xương cho biết, em cảm thấy thoải mái và hứng thú trong giờ học có áp dụng bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy giúp em nhanh thuộc bài và nhớ lâu.
Các thầy giáo, cô giáo trực tiếp giảng dạy bằng BÐTD đều có chung nhận xét rằng, vật liệu làm BÐTD dễ kiếm, cách làm đơn giản và có thể vận dụng với bất kỳ điều kiện nào của các nhà trường hiện nay, nhất là đối với các trường vùng khó. Giáo viên Trường THCS Thanh Nê, huyện Kiến Xương, Ðinh Thị Sáu cho biết: BÐTD giúp học sinh thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu và lâu những nội dung của bài học. Ðối với môn Ngữ văn, học sinh có thể nhìn vào BÐTD mà bình luận một tác phẩm văn học mà không sợ sót ý. Ngoài ra, dạy học theo BÐTD giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động. Có thể sử dụng BÐTD để củng cố lại kiến thức cũng như triển khai kiến thức mới. Phương pháp dạy học theo BÐTD rất dễ áp dụng, đồng thời mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc áp dụng phương pháp dạy học mới cho học sinh sẽ tránh được lối dạy học theo kiểu đọc chép, rập khuôn làm cho học sinh thụ động, thay vào đó là tạo điều kiện cho học sinh tích cực, năng động, tự tin trong học tập. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Kiến Xương Nguyễn Anh Minh cho rằng: BÐTD được đánh giá là thế mạnh trong đổi mới phương pháp dạy học. Phương pháp mới này tạo cho học sinh tính tự lực, tự rèn luyện, dễ tiếp thu bài và nhớ bài lâu hơn.
Xuất phát từ chỗ rất nhiều học sinh chăm chỉ học tập nhưng do chưa có phương pháp học tập tốt, cho nên có tình trạng học trước quên sau, không ghi nhớ sâu được các sự kiện, lịch sử, địa lý, các kiến thức cơ bản trong bài học. Do đó, dẫn đến nhiều em học sinh còn học vẹt, chưa nắm vững sâu kiến thức. Giám đốc Dự án trung học cơ sở II Trần Ðình Châu cho biết: Chính vì có hiện tượng học sinh học trước quên sau, nên nhóm nghiên cứu đã bắt đầu say mê, tìm tòi phương pháp dạy học áp dụng bản đồ tư duy vào giáo dục Việt Nam. Với phương pháp dạy học mới cùng với các phương pháp học tập khác, sẽ góp phần làm cho giáo dục cả nước phát triển hơn.
Theo BẢO NGỌC
(nhandan)