Thứ tư, 19/3/2014, 21h03

Ngành luật và tâm lý học: Đầu vào khó, có việc làm ngay

Học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tại chương trình
Nhiều học sinh cho rằng, cơ hội việc làm của những người học ban xã hội khá thấp nên “ngó lơ” với khối C... Tuy nhiên, tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, các chuyên gia tư vấn khẳng định những ngành học thuộc ban xã hội vẫn không thiếu việc làm, đặc biệt là ngành luật và tâm lý học.
Điểm chuẩn tăng mạnh
Khoảng 4-5 năm trước, điểm chuẩn khối C của ngành luật và tâm lý học ở các trường ĐH dừng lại ở mức 15-16 điểm. Nhưng vài năm gần đây điểm chuẩn của khối ngành này tăng mạnh. So với những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội khác, hai ngành này có điểm đầu vào khá cao.
ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) cho biết: “Nếu những năm trước, điểm chuẩn ngành tâm lý học xấp xỉ với điểm chuẩn các ngành triết học, địa lý, lịch sử… thì những năm gần đây do số lượng thí sinh dự thi đông nên điểm chuẩn tăng mạnh, thậm chí có năm lên đến 20-21 điểm ở khối C”.
Thực tế, điểm chuẩn khối C ngành tâm lý học ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) mỗi năm tăng khoảng 1 đến 2 điểm. Cụ thể, điểm chuẩn nguyện vọng 1 năm 2011 là 18,5 điểm; năm 2012 là 19 điểm; năm 2013 là 21 điểm. Tương tự, ngành này ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2011 chỉ có 14 điểm; năm 2012 là 15,5 điểm, nhưng đến năm 2013 lên tới 18,5 điểm.
Tương tự, điểm trúng tuyển của Trường ĐH Luật TP.HCM trong 3 năm gần đây cũng tăng khá mạnh. Nếu năm 2011, điểm trúng tuyển khối C ngành Luật Hình sự và hành chính là 17 điểm; ngành Luật Quốc tế, Luật Thương mại và Luật Dân sự là 17,5 điểm thì điểm chuẩn năm 2012 của ngành Luật Dân sự, Luật Quốc tế, Luật Hình sự, Luật Hành chính là 19 điểm và Luật Thương mại là 21 điểm. Năm 2013 điểm chuẩn khối C vào ngành luật nhìn chung ở mỗi ngành đều tăng 2 điểm, cụ thể Luật Thương mại là 23 điểm; Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Hành chính và Luật Quốc tế là 21,5 điểm. Tương tự, điểm chuẩn khối C của Trường ĐH Luật Hà Nội tăng mỗi năm 1 điểm, năm 2011 là 20 điểm; 2012 là 21,5 điểm và năm 2013 là 22,5 điểm.
Việc làm không thiếu
Ở Việt Nam, chỉ có hai cơ sở giáo dục được Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo cán bộ tư pháp trọng điểm trên cả nước là Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường đào tạo nhóm ngành luật như ĐH Kinh tế Luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Thương mại...
Em Nguyễn Bùi Minh Hiếu (học sinh lớp 12 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn) thắc mắc: “Em xin hỏi sự khác nhau trong chương trình đào tạo giữa các lĩnh vực chuyên sâu ở Trường ĐH Luật TP.HCM như thế nào? Cơ hội việc làm liệu có khó không?”. Về vấn đề này, TS. Trần Phú Vinh - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết: “Trường ĐH Luật TP.HCM hiện đào tạo 5 lĩnh vực chuyên sâu của ngành luật là Luật Hành chính, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Thương mại và Luật Quốc tế. Chương trình đào tạo giữa các lĩnh vực chuyên sâu này chỉ khác khoảng 6%, tức là chỉ có khoảng 6 đến 7 tín chỉ sinh viên học khác nhau trong tổng số 131 tín chỉ của trường. Hiện nay, nhu cầu việc làm ở ngành luật rất cao nên nếu các em chăm chỉ học tập, chắc chắn sẽ không thiếu chỗ làm…”.
Được biết, hiện cả nước chỉ có khoảng 6.000 luật sư, 5.000 thẩm phán, 4.000 điều tra viên và 400 công chứng viên. Do đó, nhu cầu về cán bộ tư pháp hiện nay là rất lớn. Chỉ tính riêng chức danh tư pháp, từ nay đến năm 2020 cần có khoảng 13.000 luật sư; 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên… Tuy nhiên, hiện nay quy mô đào tạo nhóm ngành luật chỉ đạt từ 3.500 đến 4.000 cử nhân hệ chính quy mỗi năm.
Cũng như ngành luật, ngành tâm lý học cũng có sức hút khá lớn với học sinh. Đặc biệt, các em muốn học tâm lý và làm trong ngành giáo dục. “Em muốn biết Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có đào tạo ngành tâm lý giáo dục hay không?”, Minh Trí (lớp 12A3 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn) hỏi.
ThS. Đào Lê Hòa An giải đáp: “Hiện ở TP.HCM có 3 trường đào tạo ngành tâm lý học là ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm và ĐH Văn Hiến. Trước đây, ĐH Sư phạm TP.HCM có chuyên ngành tâm lý giáo dục để đào tạo giáo viên giảng dạy ĐH nhưng những năm gần đây đã ngưng đào tạo. Tuy nhiên, hiện các trường THPT tuyển khá nhiều giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý nên em có thể chọn ngành tâm lý học cho tương lai của mình”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Ngành tâm lý học đang ngày càng thu hút giới trẻ quan tâm và cơ hội để kiếm việc làm cũng không khó khi đời sống tinh thần con người ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, muốn thành công trong nghề, ngoài kiến thức chuyên môn các em cần rèn luyện thêm rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp”, ThS. Đào Lê Hòa An cho biết.