Thứ tư, 3/10/2012, 14h10

Men gan cao có nguy hiểm?

BS đang tư vấn điều trị cho một bệnh nhân bị men gan cao. Ảnh: T.L

Men gan đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người, nó nằm trong tế bào gan và  tham gia vào quá trình chuyển hóa quan trọng các chất trong cơ thể. Vì vậy, khi men gan tăng cao thì nên gặp BS chuyên khoa để sớm được theo dõi, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
Theo GS.BS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư TP.HCM thì nếu tình trạng men gan cao kéo dài mà không điều trị sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng như xơ gan...
Dấu hiệu nhận biết men gan cao
Anh Nguyễn Công Tú (quận 12 - TP.HCM) cho biết: “Tôi vừa đi bệnh viện khám tổng quát, BS thông báo men gan của tôi cao gấp 3 lần cho phép. Tôi rất lo lắng vì không biết nó có nguy hiểm lắm không, cách phòng ngừa và chữa trị như thế nào?”. Vào cuối tháng 7 vừa qua, các BS ở Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng đã cứu sống cháu Lâm T. (3 tuổi, ngụ tại Giồng Chát, Sóc Trăng). Trước đó, cháu T. bị ho, sốt nhưng gia đình cứ nghĩ cháu bị cảm sốt bình thường nên không đưa đi khám. Mấy ngày sau thấy con bị nặng hơn nên gia đình chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng. Tại đây, BS nhanh chóng làm xét nghiệm và xác định cháu bị viêm phổi nặng, đặc biệt là men gan tăng cao bất thường với 18.809 U/L, sức khỏe cháu T. rất nguy kịch bởi người có men gan cao khoảng 8000-9.000U/L đã rất nguy hiểm, còn cháu T. có men gan cao như thế thì khả năng tử vong rất cao, trên 90%. Nhưng nhờ chữa trị kịp thời, cháu T. đã qua khỏi. GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết: “Thông thường có 4 loại men gan (enzym) là: AST (Aspart transaminase), ALT (Alanine transaminase), Phosphatase kiềm  và  GGT (Gama glutamyl transpeptidase). Khi men gan tăng từ 1-2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2-5 lần là ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng. Nếu tình cờ phát hiện men gan trong máu gia tăng, đặc biệt là tăng gấp đôi chỉ số bình thường (trên  40 U/L) thì cần đi BS để xác định nguyên nhân. Nguyên nhân làm nồng độ men gan tăng thường là: Viêm gan cấp làm men gan tăng rất cao, gấp 7-8 lần trở lên; tắc đường mật do giun, sỏi hoặc tắc ruột, viêm dạ dày cấp… cũng làm tăng men gan nhưng mức độ tăng không nhiều như trong viêm gan; các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu... trong giai đoạn mới phát cũng làm tăng men gan. Ngoài ra, còn rất nhiều bệnh mạn tính khác hay do điều trị thuốc, chế độ ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá nhiều cũng làm thay đổi men gan so với bình thường. Khi đã xác định được nguyên nhân thì bệnh nhân nên nghe theo sự tư vấn của BS khám bệnh cho mình”.
Không nên ăn nhiều dầu mỡ
Người có men gan tăng không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, nhất là còn mắc các bệnh khác về tim mạch hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa. Việc khám bệnh định kỳ để theo dõi chỉ số men gan trong máu là việc làm rất cần thiết. Khi được xác định nguyên nhân thì cần phải nghe lời tư vấn của BS. Nên nghỉ ngơi không làm các việc nặng, ăn uống điều độ, dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng. Dinh dưỡng hợp lý rất có lợi cho tế bào gan phục hồi và tái sinh, tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy chức năng gan hồi phục. Đặc biệt, không nên ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào dễ gây ra mỡ gan và mỡ trong máu cao, từ đó làm cho men gan cao nặng thêm, sẽ chữa mãi không khỏi.
“Khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng trong lúc đang dùng một loại thuốc nào đó thì bệnh nhân cũng nên hỏi ý kiến của BS để có phương án giải quyết. Trong trường hợp phát hiện tình trạng GGT tăng cao thì điều cần thiết là phải ngưng ngay việc uống rượu, bia và các loại nước uống có chất cồn, không hút thuốc lá. Không tự động mua thuốc để điều trị, bất luận là thuốc tây y, thuốc nam hay thuốc đông y mà không có ý kiến của BS” - BS. Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo.
Phụng Diễm