Thứ sáu, 5/8/2011, 16h08

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ

Trẻ cần có chế độ ăn thích hợp, đầy đủ chất dinh dưỡng để có cơ thể khỏe mạnh, phát triển cân đối. Ảnh: N.T
Suy dinh dưỡng (SDD) có thể khiến trẻ chậm phát triển về thể lực và trí tuệ. Béo phì làm trẻ bị các bệnh mạn tính, không lây nhiễm như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư... Nguyên nhân đều do chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa hợp lí.
Bệnh của thừa thiếu chất
Số lượng học sinh (HS) đăng ký diện bán trú ngày càng tăng, điều này có nghĩa chế độ dinh dưỡng của HS phụ thuộc phần lớn vào chế độ cung cấp dinh dưỡng qua bữa ăn của nhà trường. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay người chế biến thức ăn có thói quen lạm dụng các loại gia vị như nước mắm, nước tương, hạt nêm, bột canh... thay dần cho muối i-ôt. “Việc làm này nhằm tạo ra bữa ăn ngon miệng song lại khiến thức ăn thiếu chất, đặc biệt là i-ôt. Hơn nữa, còn tồn tại nhiều trường hợp người chế biến thức ăn chỉ chú ý đến số lượng mà quên chất lượng. Trẻ thường thiếu các chất đó là sắt, vitamin A, điều này có thể dẫn đến trẻ mang nhiều bệnh trong đó có SDD” - BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (TTDD) TP.HCM cho biết.
Ngược lại, khi cuộc sống đầy đủ, nhiều HS được cha mẹ quan tâm quá mức bằng cách cho ăn nhiều loại thức ăn, thậm chí còn bồi bổ các chất và kèm theo HS lười vận động vì thế các em cũng khó tránh khỏi béo phì. Con số cụ thể được BS Nguyễn Tài Dũng - Phó phòng Công tác HSSV (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Tỉ lệ trẻ SDD trên cả nước còn khoảng 6-7%, tình trạng béo phì thì còn rất cao và ngày càng gia tăng. Tính riêng tại TP.HCM, tỉ lệ HS tiểu học tại các quận 1, 3, 4 bị béo phì nhiều, có trường số HS béo phì chiếm đến 20%”.
Đẩy mạnh công tác dinh dưỡng vào nhà trường
Đứng trước thực trạng này, vừa qua Sở GD-ĐT phối hợp cùng TTDD TP.HCM tổ chức buổi tập huấn dinh dưỡng cho các trường.Đại diện các trường được học về tình trạng dinh dưỡng và các nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản; phòng chống SDD; phòng chống thừa cân béo phì; phòng chống thiếu vitamin và các chất; cách tăng cường hoạt động thể chất; thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và cách đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ. Theo đó, nhà trường cần tạo ra những bữa ăn đầy đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin nhóm B, vitamin C, A, D, canxi, phospho và các vi chất như i-ôt, sắt, kẽm… hàm lượng chất không quá thừa để tránh béo phì và không thiếu để tránh SDD.
Bên cạnh việc có những bữa ăn đúng, đủ chất, các trường cũng cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe HS bằng việc đo chiều cao và cân nặng để phát hiện những trẻ bị SDD hay béo phì. Từ đó nhà trường có các biện pháp, điều chỉnh lại việc cung cấp bữa ăn cho các em. Làm tốt công tác này giúp các em có thể trạng tốt, khỏe mạnh, phát triển cân đối.             
Cũng tại buổi tập huấn, BS Ngọc Diệp nhấn mạnh: “Hiện nay, tại căn-tin của các trường bán nhiều bánh kẹo, nước ngọt, siro… Đây là thực phẩm có thể dẫn đến thừa cân, béo phì và bệnh sâu răng. Để HS có những bữa ăn phụ lành mạnh, nhà trường nên kiểm tra và duyệt danh sách các loại thực phẩm bán tại trường. Khuyến khích bán các loại trái cây tươi theo mùa, các loại sữa và sản phẩm từ sữa. Trái cây tươi giúp cung cấp nước, vitamin, chất khoáng, chất xơ, sữa cung cấp canxi, phospho, chất đạm, vitamin A, vitamin nhóm B giúp trẻ tăng trưởng tốt về thể lực cũng như trí tuệ.
Ngọc Trinh

“Trẻ em ở độ tuổi tiểu học đang trong quá trình phát triển nên rất dễ thiếu i-ôt. Thiếu i-ôt sẽ giảm thành tích do không tập trung. Biện pháp hiệu quả là nên dùng i-ốt hàng ngày. Tránh lạm dụng các loại gia vị khác cũng như không nên dùng muối thường thay thế muối i-ôt” – BS Ngọc Diệp khuyến cáo.