Thứ ba, 10/4/2012, 10h04

“Rước” bệnh vào người do ngủ nhiều

Nếu ngủ nhiều hơn 7-9 giờ mỗi đêm thì nên đi khám BS để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Ảnh: T.LÊ

Nhu cầu về giấc ngủ ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, sức khỏe và mức độ hoạt động trong ngày, lý tưởng nhất là từ 7-9 giờ mỗi đêm. Nhưng nếu ngủ nhiều hơn khoảng thời gian trên thì có thể liên quan đến vấn đề về sức khỏe, đặc biệt đã mắc chứng ngủ lịm (ngủ nhiều).
Ngủ nhiều sẽ giúp tinh thần minh mẫn, sáng suốt?
Đây là một quan niệm sai lầm, Anh Lê Nam ( 27 tuổi - Q.Gò Vấp - TP.HCM) kể: “Đã 7 năm nay tôi thường xuyên buồn ngủ, mặc dù buổi tối vẫn ngủ đủ 7-8 tiếng, trưa ngủ 30 phút. Những ngày nghỉ thì ngủ nhiều hơn một chút nhưng tôi vẫn luôn trong tình trạng buồn ngủ khiến công việc bị ảnh hưởng. Nhất là khi đi xe máy, nếu đi trên 12km tôi lại rơi vào tình trạng buồn ngủ khiến việc đi xe đường dài rất nguy hiểm”.
Tương tự, em Minh Duy (lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền - Đồng Nai) cho biết: “Năm nay em 16 tuổi, ngủ rất nhiều. Trung bình một ngày em phải ngủ 13-14 tiếng. Điều này vô cùng bất lợi cho sinh hoạt cũng như ảnh hưởng đến việc học tập. Em thấy cuộc sống của mình trở nên thụ động, luôn có cảm giác bị thiếu thời gian để học bài hay vui chơi thể thao cùng các bạn. Em đã thử rất nhiều cách như uống cà phê đen, nước chè đặc nhưng vẫn không hề thuyên giảm chút nào. Không những thế, mỗi lần tỉnh dậy là mắt em lại hoa lên và đầu thì đau nhức”. Theo BS. Nguyễn Văn Tiến - BV 175 - TP.HCM thì: “Các biểu hiện của hai trường hợp trên cho thấy đã bị hội chứng ngủ nhiều. Chứng bệnh này thường xảy ra với những người có biểu hiện hay lo lắng, thiếu năng lượng và gặp vấn đề về trí nhớ. Những người xuất hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ (đây được xem là rối loạn khiến bệnh nhân ngưng thở tạm thời trong suốt giấc ngủ) nên bệnh nhân muốn ngủ thêm vì triệu chứng rối loạn kia làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ bình thường của họ. Ngủ quá nhiều có thể gây giãn các cơ vì không được vận động đủ thời gian mỗi ngày từ đó khiến đầu và toàn thân đau nhức. Không những thế, nó còn làm tăng nguy cơ béo phì, thiểu năng thần kinh, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim. Bên cạnh đó, ngủ quá nhiều sẽ không ăn cơm đúng giờ. Dạ dày sôi lên vì đói, làm rối loạn quá trình tiết dịch vị, ảnh hưởng tới chức năng của cơ quan tiêu hóa”.
Trị chứng ngủ nhiều
Nếu ngủ hơn 8 tiếng một đêm thì hãy gặp BS để tìm hiểu rõ nguyên nhân cho vấn đề này. Nếu nguyên nhân do các rối loạn trong cơ thể thì cần phải điều trị. BS. Tiến cho biết: “Cách hiệu quả nhất để hạn chế bệnh ngủ nhiều là nên tạo cho bản thân thói quen đi ngủ và thức dậy một cách thật khoa học, hợp lý. Cụ thể là thức dậy gần như cùng giờ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ. Chăm tập thể dục, không vận động mạnh trước giờ ngủ khoảng 5 tiếng. Hãy bỏ ra 30-60 phút dành để ru ngủ cơ thể bằng cách tắt đèn và tĩnh tâm. Chăm chỉ ăn những thức ăn thanh mát có tính an thần như tâm sen, long nhãn, táo tàu… Không dùng các chất kích thích như cà phê, chè đặc lúc cuối ngày”.
Còn theo lương y Phạm Trọng Sơn thì ngủ nhiều là do khí trong người suy yếu. Theo đông y khí có nghĩa là năng lượng trong cơ thể, thể hiện ra nhiệt của cơ thể. Khí giúp vận hành huyết tuần hoàn khắp cơ thể. Khi bị bệnh ngủ nhiều chứng tỏ khí của bạn không đủ để vận hành huyết lên đầu. Các trạng thái kèm theo như kém ăn do khí tỳ vị không đủ, huyết áp thấp do khí của thận hỏa suy yếu. Cách đơn giản là bạn bồi bổ khí cho cơ thể. Bạn có thể ăn nhân sâm lát, mỗi ngày vài lát, một thời gian ngắn sẽ hết. Nhân sâm lát bán ở tiệm thuốc bắc, khoảng 40.000 đ/lạng.
Phụng Diễm