Thứ sáu, 20/5/2011, 08h05

Đề thi học kỳ II môn văn lớp 5: Rõ ràng, sáng tạo

HS làm bài chọn sai thời điểm vẫn được chấm điểm

Các em HS Trường TH Nguyễn Văn Trỗi vui chơi sau khi thi hết môn toán học kỳ II
Ngày 18-5, sau khi kết thúc kỳ thi học kỳ II môn tập làm văn lớp 5, nhiều phụ huynh phản ánh học sinh (HS) làm lạc đề vì đề thi được ra không rõ ràng ở hai chữ buổitiết, khiến HS không tìm ra được cách làm. Vậy nguyên nhân do đề thi có đánh đố hay do HS không nắm được yêu cầu của đề?
Đề hay, sáng tạo
Một phụ huynh HS Trường TH Trương Văn Hải (Q.Thủ Đức) cho hay, ra khỏi phòng thi, con tôi nói là tả quang cảnh sân trường sau khi học xong hai tiết, so với yêu cầu của đề, tôi lo rằng cháu đã làm lạc đề và sẽ không có điểm. Và có không ít ý kiến cho rằng, đây là đề đánh đố ở chữ buổitiết nhiều HS sẽ nhầm lẫn “sau buổi học” với từ “sau tiết học” dẫn đến làm sai đề.
Với đề bài Tả cảnh trường em sau buổi học, sẽ yêu cầu HS tả quang cảnh trường học sau khi học xong. Với những em học một buổi thì có thể tả quang cảnh tan trường, ba mẹ đưa rước HS, HS ra về xếp hàng ra sao, trang phục ra sao hay quang cảnh sân trường như thế nào… Còn với những HS ở lại thì cũng có thể tả cảnh tan trường, tả cảnh sinh hoạt HS ở lại buổi trưa, các cô bảo mẫu chăm sóc bữa ăn ra sao… Có rất nhiều hoàn cảnh để các em có thể tả. Thế nên, đề rất rộng mở và hoàn toàn rõ ràng” - ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng GDTH (Sở GD-ĐT) cho biết.
Ông Điệp cho biết thêm: “Không thể nói các em không phân biệt được chữ buổi và chữ tiết, vì các em học đến lớp 5 phải biết được chữ buổi và chữ tiết. Nếu như HS không phân biệt được thì phải xem lại cách giảng giải của giáo viên. Cụ thể, chương trình môn tiếng Việt lớp 5 kỳ II (phần ôn tập về dấu câu, trang 144) các em được ôn tập phần tả cảnh, trong chương trình ôn có đưa ra bốn đề cho HS tự chọn, theo đó có đề số 3 là Tả trường em trước buổi học. Như vậy, các em đã được ôn, viết và đã được học từ buổi, chỉ khác nhau ở thời điểm trước và sau. Nếu như yêu cầu tả trước thì các em có thể tả theo hướng nhìn quang cảnh từ ngoài cổng trường vào, còn nếu như yêu cầu tả sau thì có thể nhìn quang cảnh từ trong sân trường ra. Như vậy làm sao có thể nói HS nhầm lẫn, không phân biệt được”.
Sáng 19-5, Hội đồng chấm thi Phòng GDTH Sở GD-ĐT đã bốc ngẫu nhiên 5 bài để chấm, kết quả 4 em đạt điểm tối đa là 5 vì làm đúng và hay, còn 1 em được 3 vì chọn sai thời điểm. Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) có 6 lớp 5, với 246 HS, nhưng hầu hết HS đều cho biết các em làm được bài.
Theo cô Phạm Thị Hào, giáo viên dạy văn lớp 5/2 Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) thì: “Đối với đề này các em đã được học hai bài là: Tả quang cảnh trường em trước giờ ra chơiTả quang cảnh trường em trước buổi học.Như vậy không thể nói các em có thể nhầm lẫn sang việc tả cảnh sinh hoạt trong giờ ra chơi sau khi học hết hai tiết hay tả cảnh trường sau khi kết thúc buổi học sáng hay buổi học chiều.
Bên cạnh những ý kiến khác nhau, cũng có ý kiến cho rằng, đề hay và sáng tạo. Cô Nguyễn Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Đề ra rất hay, đề mang tính sáng tạo, không rập khuôn theo sách giáo khoa, bởi nếu như ra đúng trong sách thì những HS học thuộc sẽ chép ro ro, như vậy không thể hiện được tính sáng tạo. Sự sáng tạo thể hiện ở chỗ, từ những dạng bài các em đã được học, làm quen sau đó biết vận dụng vào việc nhận diện các đề khác để triển khai các ý trong bài. Yêu cầu của môn tập làm văn là giáo viên không nên dạy HS ôn tủ, phải dạy cách làm bài, rèn kỹ năng làm cho HS chứ không phải là làm theo mẫu. Còn HS phải thể hiện sự sáng tạo, không nên hy vọng lấy điểm từ những bài mẫu. Cách ra đề này đã tránh được tình trạng ôn bài tủ, tránh tình trạng, HS đọc qua đề rồi vào làm theo quán tính.
Học sinh đọc kỹ đề là làm được
Yêu cầu một bài văn đạt chất lượng là HS phải làm đầy đủ ý cơ bản như đúng nội dung, dùng câu chính xác, viết đúng chính tả, biết cách diễn đạt, trình bày rõ ràng, sạch đẹp chứ chưa nói đến yêu cầu phải viết hay. Tuy nhiên, cái chính là HS có đọc kỹ đề hay không, việc đọc đề hết sức quan trọng, nó giúp các em xác định đúng yêu cầu và mục đích làm bài của đề. “Với yêu cầu này, đứng trước đề Tả cảnh trường em sau buổi học thì bất kỳ HS nào cũng có thể làm nếu như đọc kỹ đề bài”, cô Hảo cho biết.
Thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4) cho biết: Đề ra hoàn toàn đúng, nằm trong chương trình của môn tập làm văn lớp 5. Cái khó là, với những HS trung bình, các em sẽ thua điểm HS sinh khá ở khả năng diễn đạt, phát triển những kỹ năng trong tả cảnh, từ những ý nhỏ có thể triển khai một cách chi tiết.
Chị Nguyễn Thúy An, PHHS Trường TH Ngô Tất Tố (số nhà 160/128/15, Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Sau khi ra khỏi phòng thi, cháu có nói đề văn khó nhưng cháu vẫn làm được. Cháu bảo khó vì cháu không biết diễn tả cảnh khi các bạn ra về phải xếp hàng ngay ngắn, chào cô giáo, lần lượt ra về, không chen lấn… sao cho hấp dẫn để đạt điểm cao. Theo tôi, nếu như HS không làm được là vì các cháu không đọc kỹ đề, chứ đề hoàn toàn rõ ràng”.
Ông Điệp cũng cho hay: Với yêu cầu đề Tả cảnh trường em sau buổi học, nếu như HS làm bài chọn sai thời điểm thì vẫn được chấm điểm cho bài văn nhưng sẽ không đạt điểm tối đa. Còn nếu HS chọn sai quang cảnh, chẳng hạn như tả ở một ngôi trường khác thì sẽ hoàn toàn không có điểm. Vì thế, điểm quan trọng là các em phải tả đúng cảnh tại sân trường của mình”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh