Thứ hai, 15/11/2010, 08h11

Cán bộ, công nhân viên làm trong ngành giáo dục: Ai được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi?

Giáo viên nào trực tiếp giảng dạy thì được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi

Thời gian gần đây, Báo Giáo Dục TP.HCM đã nhận được không ít đơn thư của một số giáo viên - nhân viên ở huyện Củ Chi, quận 12 phản ánh về việc không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Theo đó, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM để làm sáng tỏ vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết, đối tượng nào trong ngành GD-ĐT được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi?
Ông Văn Công Sang: Theo Quyết định số 244/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT thì đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi là những nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Cụ thể, đối tượng thứ nhất là nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động; đối tượng tiếp theo là nhà giáo (kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng) thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm; đối tượng cuối cùng là cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Những đối tượng nói trên không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau: thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương; thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng; thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên; thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành; thời gian bị đình chỉ giảng dạy.
Vậy những người trước đây từng là giáo viên trực tiếp đứng lớp, sau đó chuyển qua làm cán bộ y tế trường học, văn thư, thủ quỹ, thư viện… thì có được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi không thưa ông?
Nếu đã chuyển qua công việc khác như văn thư, thủ quỹ, thư viện, cán bộ y tế… nhưng một tuần vẫn trực tiếp dạy một vài tiết thì tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Ngược lại, không trực tiếp giảng dạy nữa mà chỉ làm công việc mới thì không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi.
Thưa ông, nhiều ý kiến từ các trường thắc mắc là tại sao hiệu trưởng, hiệu phó không trực tiếp đứng lớp mà vẫn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi?

Giáo viên đứng lớp ở vùng sâu, vùng xa như huyện Cần Giờ (ảnh) sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi đến 35%. Ảnh: N.Trinh

Đối với các trường THCS, THPT hay ĐH, CĐ… thì giáo viên dạy theo môn nên hiệu trưởng, hiệu phó đều phải trực tiếp giảng dạy. Ai không dạy thì không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Riêng mầm non và tiểu học, do đặc thù là mỗi giáo viên dạy một lớp nên hiệu trưởng, hiệu phó không thể trực tiếp giảng dạy một vài tiết được. Theo đó, hiệu trưởng, hiệu phó không bắt buộc phải dạy chính khóa mà tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh như dạy kỹ năng sống. Và việc này phải có kế hoạch theo tuần, tháng trong năm học. Vì vậy, hiệu trưởng, hiệu phó cũng được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi.
Một số giáo viên ở huyện Củ Chi cho biết, vì trường dư giáo viên nên các cô phải ra làm giáo viên dự khuyết. Xin hỏi, giáo viên dự khuyết có được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi không?
Có! Giáo viên dự khuyết được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi. Ban giám hiệu phải có trách nhiệm sắp xếp, phân công việc giảng dạy cho những giáo viên dự khuyết này.
Mức phụ cấp ưu đãi giữa các nhà giáo tại các cấp, bậc học có giống nhau không thưa ông?
Có 6 mức phụ cấp. Cụ thể, mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ, học viện, trường bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, các trường chính trị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy tại các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh).
Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường THCS, THPT, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (TTKTTH-HN), trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm dạy nghề (TTDN) ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường DN, trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường THCS, THPT, TTKTTH-HN, TTGDTX, TTDN ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm (ĐH, CĐ, trung học), trường cán bộ quản lý GD-ĐT và nhà giáo dạy môn chính trị trong các trường trung học chuyên nghiệp, trường DN.
Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường ĐH, CĐ.
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Xin ông cho biết phương thức, nguồn chi trả và cách thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với các nhà giáo?
Về phương thức chi trả, phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi được sử dụng từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở giáo dục theo quy định và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương.
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)